Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Bộ Tài chính Mỹ cho biết, Mỹ đã xác định Iran là một nguồn rửa tiền chính và đã đề ra một cơ chế để đảm bảo rằng các quỹ dành cho thương mại nhân đạo với Tehran không được sử dụng vào mục đích sản xuất vũ khí hoặc các hoạt động nguy hiểm khác.
Thông cáo báo chí của bộ trên nêu rõ: “Cơ chế mới sẽ giúp cộng đồng quốc tế tăng cường giám sát hoạt động thương mại của Iran nhằm mục đích nhân đạo, để đảm bảo rằng các quỹ liên quan hoạt động thương mại được phép của người dân Iran không bị Tehran thay đổi mục đích sử dụng nhằm phát triển tên lửa đạn đạo, hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố hoặc tài trợ các hoạt động nguy hiểm khác”.
Với việc áp cơ chế mới này đối với Iran, Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh Mỹ đã liệt Iran vào danh sách đen về rửa tiền, theo Đạo luật yêu nước 2001, đồng nghĩa với việc cấm mọi giao dịch của Mỹ với các ngân hàng Iran.
Giới chức Mỹ cho biết cơ chế mới sẽ cho phép các chính phủ nước ngoài và các ngân hàng giảm nguy cơ bằng cách thông báo với Washington các giao dịch của mình, và có thể được chứng nhận rằng họ tuân thủ các trừng phạt. Để được chứng nhận, các thể chế cần khai báo thông tin "nhiều và chưa từng thấy" trên cơ sở hàng tháng, trong đó có tất cả các hóa đơn và chi tiết về các khách hàng, bao gồm cả việc liệu họ có nằm trong bất cứ danh sách đen nào của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) hoặc của Liên hợp quốc (LHQ) trong vòng 5 năm trước khi có giao dịch.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã gọi đây là "cơ chế nhân đạo" mới và khẳng định cơ chế này sẽ giúp người dân Iran bằng cách tạo điều kiện cho hoạt động thương mại "hợp pháp". Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nhấn mạnh chính quyền Tổng thống Trump "vẫn cam kết không ngăn cản dòng viện trợ nhân đạo cho người dân Iran".
Tuy nhiên, Hội đồng quốc gia các vấn đề về Mỹ - Iran nhận định động thái trên sẽ làm tăng gánh nặng cho hoạt động thương mại nhằm mục đích nhân đạo. Cựu cố vấn Bộ Tài chính O'Toole cho rằng biện pháp trên dường như nhằm chống lại cơ chế INSTEX - kênh thương mại mà các cường quốc châu Âu đã lập ra để tránh các trừng phạt đơn phương của Mỹ.
Các nước châu Âu đã tìm cách cứu vãn thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015 giữa nhóm P5+1 với Tehran sau khi Tổng thống Trump rút Mỹ ra khỏi văn kiện này hồi năm ngoái. Thông qua INSTEX, các doanh nghiệp châu Âu được bảo vệ khỏi các trừng phạt của Mỹ dù trên thực tế ít công ty sẵn sàng chấp nhận rủi ro để tham gia cơ chế này.