Các phe phái đối địch ở Libya luôn tranh cãi về việc bên nào sẽ kiểm soát hoạt động khai thác, buôn bán và nguồn thu từ dầu mỏ. Mâu thuẫn này đã góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng hỗn loạn chính trị và bạo lực, vốn đã tàn phá quốc gia Bắc Phi kể từ chính biến năm 2011. Theo đánh giá của giới chuyên môn, bất kỳ mối đe dọa nào đối với sản lượng dầu mỏ của Libya, ở mức 1,3 triệu thùng/ngày trong những tháng gần đây, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường năng lượng thế giới vốn đang lao đao vì cuộc khủng hoảng Ukraine.
Đại sứ Norland khẳng định các đề xuất của Mỹ nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng lan sang lĩnh vực kinh tế, có thể khiến cho đời sống của người dân Libya gặp nhiều khó khăn khi hàng hóa trợ cấp, tiền lương và đầu tư công bị cắt giảm, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực đến thị trường năng lượng toàn cầu. Trong một cuộc phỏng vấn, Đại sứ Mỹ cho rằng giải pháp hiện nay là cần đạt được thỏa thuận nhằm đảm bảo nguồn thu dầu mỏ được sử dụng đúng mục đích để giúp đỡ người dân Libya, không bị chuyển hướng sang các mục đích chính trị hoặc các mục đích khác không phù hợp.
Cuộc khủng hoảng tại Libya vẫn chưa có hồi kết sau khi kế hoạch tổ chức bầu cử do Liên hợp quốc bảo trợ hồi tháng 12/2021 đã bị hủy bỏ khi các phe phái lớn ở Libya không thống nhất được các quy tắc bầu cử. Những bất đồng này đã dẫn đến tình trạng hai chính phủ song song tồn tại ở Libya - một bên là chính phủ lâm thời đương nhiệm do Thủ tướng Abdulhamid al-Dbeibah đứng đầu, bên còn lại là chính phủ được Quốc hội Libya có trụ sở ở miền Đông bổ nhiệm, do ông Fathi Bashagha, cựu Bộ trưởng Nội vụ Libya lãnh đạo.