Theo kênh CNN, phi đội máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 F-22 của Không quân Mỹ đã được điều động tới căn cứ ở Qatar, trong bối cảnh Lầu Năm Góc đang tăng cường binh lực tại Trung Đông vì căng thẳng leo thang với Iran.
Trong một tuyên bố kèm hình ảnh, Lực lượng Không quân tại Bộ Chỉ huy Trung tâm của quân đội Mỹ (CENTCOM) cho biết phi đội F-22 nói trên đã hạ cánh xuống Căn cứ Không quân Al Udeid ở Qatar. Nguồn tin không nói rõ có bao nhiêu chiếc F-22, song quan sát bức ảnh công bố cho thấy ít nhất 5 máy bay chiến đấu F-22 đang bay trên bầu trời quanh căn cứ không quân này.
Thông cáo có đoạn nêu rõ: "Các máy bay chiến đấu này được triển khai tới Qatar lần đầu tiên nhằm bảo vệ các lực lượng và quyền lợi của Mỹ tại khu vực mà CENTCOM phụ trách".
Quan hệ Mỹ- Iran rơi vào căng thẳng kể từ sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 ký kết giữa Tehran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) hồi tháng 5/2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt quốc gia Hồi giáo.
Căng thẳng gia tăng hồi tuần trước khi Iran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ trên vùng trời eo biển Hormuz ngày 20/6 sau một số vụ tấn công tàu chở dầu xảy ra tại khu vực này. Mỹ lập tức đổ lỗi cho Iran đứng sau các vụ tấn công nhưng Tehran luôn phủ nhận.
Từ đó hai bên bắt đầu các màn "khẩu chiến" và đỉnh điểm là hồi tuần này Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. Iran cũng đe dọa ngừng thực thi một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân nếu các bên còn lại không thể giúp Tehran tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ đặc biệt là hoạt động xuất khẩu dầu.
Hồi tháng 5 vừa qua, Lực lượng Không quân Mỹ cũng đã triển khai một số máy bay ném bom B-52 Stratofortress và nhóm tàu sân bay tấn công tới vùng Vịnh, viện dẫn nguy cơ Iran có kế hoạch tấn công lực lượng Mỹ tại khu vực.
Ngoại trưởng Zarif ngày 27/6 cảnh báo Tổng thống Mỹ Donald Trump đang sai lầm khi cho rằng cuộc chiến giữa Washington và Tehran sẽ không kéo dài. Trên trang Twitter cá nhân, ông Zarif nêu rõ: "Khái niệm 'cuộc chiến chớp nhoáng' với Iran là một sự ảo tưởng", đồng thời nhấn mạnh rằng "người gây chiến sẽ không phải là người quyết định cuộc chiến".
Tuyên bố trên được ông Zarif đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ trong một phát biểu trên truyền hình cho biết Mỹ đang "có vị thế rất mạnh", nhưng ông không muốn để xảy ra chiến tranh với Iran. Tuy nhiên, ông Trump đồng thời cũng nói thêm rằng nếu chiến sự nổ ra, cuộc chiến đó "sẽ không quá lâu dài".
Cũng trong ngày 27/6, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper thông báo với các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rằng Mỹ không muốn xảy ra chiến tranh với Iran, nhưng nước này không thể khoan nhượng thêm bất kỳ vụ việc nào.
F-22 Raptor là loại máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 sử dụng kỹ thuật tàng hình đầu tiên trên thế giới. Tuy vậy, chương trình F-22 của Mỹ lại gây ra nhiều tranh cãi. Trước hết, việc sản xuất F-22 là kết quả sự phối hợp đầu tư của rất nhiều công ty sản xuất thiết bị lớn với những công nghệ tiên tiến hàng đầu nên giá thành bị đội lên đến mức khủng khiếp. Toàn bộ chi phí cho chương trình phát triển F-22A cho đến lúc sản xuất xong 141 chiếc đầu tiên vào tháng 5/2009 là 65 tỷ USD, nghĩa là bình quân 461 triệu USD triệu một chiếc.
Xem "Ác điểu" F-22 Raptor của Mỹ thể hiện sức mạnh. (Nguồn: Business Insider)
Dù là loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, được đầu tư lớn F-22 vẫn chưa đạt đến độ hoàn hảo cần có. Những trục trặc kỹ thuật vẫn xảy ra, điển hình là vụ phi công F-22 bị mắc kẹt trong buồng lái ngày 10/4/2006 khiến các nhân viên cứu hộ phải dùng đến cưa máy để giải thoát. Hai vụ tai nạn xảy ra vào tháng 12/2004 tại Nevada và ngày 25/3/2009 khiến không quân Mỹ tổn thất hai chiếc máy bay đắt đỏ và một phi công thiệt mạng.
Cho đến nay chỉ có 187 chiếc F-22 được chế tạo và biên chế vào lực lượng không quân Mỹ dù kế hoạch ban đầu là 750 chiếc. Năm 2011, dây chuyền sản xuất F-22 đã bị dừng. Thay vì mua F-22, Mỹ đầu tư chế tạo chiếc Lockheed Martin F-35 Lightning II.