Tuy nhiên, quyết định này cũng trùng hợp thời điểm chỉ vài ngày sau khi EU tái khởi động chương trình trao đổi thương mại các mặt hàng thiết yếu với Iran.
Theo hãng tin RT, Đại diện thương mại Mỹ đã công bố danh sách gồm 89 danh mục hàng hóa là thực phẩm, đồ uống châu Âu có thể bị áp thuế bổ sung. Danh sách bao gồm xúc xích, thịt giăm bông, mì ống, cà phê, các loại rượu whisky… với trị giá thương mại tương đương 4 tỷ USD. Hôm 12/4, Mỹ cũng công bố danh sách ban đầu gồm các tiểu mục thuế quan trị giá 21 tỷ USD nhằm vào hàng hóa châu Âu. Một phiên điều trần công khai sẽ được tổ chức trong tháng 8 tới để thảo luận các biện pháp thuế quan.
Washington và Brussels luôn cáo buộc lẫn nhau trợ cấp không công bằng cho hai hãng hàng không Boeing và Airbus. Giữa tháng 4, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố một danh sách hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ có thể bị áp thuế trị giá 20 tỷ USD, xuất phát từ những tranh cãi về chính sách trợ cấp cho các nhà sản xuất máy bay.
Danh sách này được đưa ra một tuần sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố danh sách các mặt hàng của EU bị Washington áp thuế bổ sung nhằm đáp trả các khoản trợ cấp EU dành cho Airbus trị giá 11 tỷ USD.
Mặc dù Mỹ tuyên bố nguyên nhân dẫn đến việc cân nhắc áp thuế đối với hàng hóa châu Âu là do EU trợ cấp Airbus, song giới phân tích lại cho rằng một phần đề xuất này xuất phát từ động thái nối lại hoạt động thương mại giữa EU và Iran.
Trước đó, vào hôm 28/6, Anh, Đức và Pháp đã chính thức khởi động công cụ Hỗ trợ trao đổi thương mại của châu Âu (INSTEX), một cơ chế được thiết lập nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại của châu Âu với Iran, đồng thời tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Các vụ giao dịch đầu tiên đã được thực hiện.
Hiện các quốc gia châu Âu đang mắc kẹt trong căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran liên quan đến Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA). Năm 2018, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran.
Tehran nhiều lần tuyên bố "thu hẹp" việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, với mục đích yêu cầu các nước còn lại tham gia thỏa thuận gồm Anh, Trung Quốc, Nga, Pháp và Đức phải thực hiện cam kết liên quan đến lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng để phá vỡ các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tuy nhiên, cho đến nay, châu Âu vẫn chưa đưa ra được biện pháp hữu hiệu nào để giúp Iran. Với cơ chế INSTEX, Iran cho rằng nỗ lực của châu Âu vẫn là chưa đủ hỗ trợ kinh tế như Tehran mong muốn.
Theo thỏa thuận, công cụ INSTEX chỉ có thể trao đổi khối lượng nhỏ cho một số mặt hàng thiết yếu như thuốc men hay thực phẩm, chứ không phải lượng dầu xuất khẩu lớn mà Iran đang tìm kiếm.