Ngày 28/7, Nhà Trắng thông báo Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga nhằm mục tiêu vào các khu vực nòng cốt trong nền kinh tế.Thông báo được đưa ra sau cuộc hội đàm trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama đã với lãnh đạo Anh, Đức, Pháp và Italy, tiếp sau các cuộc thảo luận song phương của các nhà lãnh đạo này bàn cách áp đặt các biện pháp cứng rắn hơn để trừng phạt Nga sau vụ máy nay chở khách của hãng Hàng không Malaysia rơi ở miền Đông Ukraine, khiến 298 người thiệt mạng.
Ông Tony Blinken, cố vấn an ninh quốc gia cấp cao của Tổng thống Mỹ, nói rõ do chưa nhận thấy sự thay đổi mang tính chiến lược từ phía Tổng thống Nga Vladimir Putin, các nước phương Tây tin rằng điều hết sức quan trọng là phải thực hiện các biện pháp trừng phạt bổ sung. Ông Blinken nhấn mạnh EU và Mỹ sẽ hành động trong tuần này.
Một tay súng thuộc lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine. Ảnh: AFP
|
Một người phát ngôn của Thủ tướng Anh David Cameron sau cuộc hội đàm trực tuyến nói trên xác nhận phương Tây đã nhất trí rằng EU nên khởi động "gói biện pháp trừng phạt cứng rắn theo khu vực" càng nhanh càng tốt. Trong thông báo của mình, Thủ tướng Pháp Francois Hollande cho biết lãnh đạo phương Tây lấy làm tiếc vì Nga đã không gây sức ép hiệu quả với các tay súng ở miền Đông Ukraine để đưa họ đến bàn thương lượng, hoặc không có biện pháp cụ thể để kiểm soát biên giới giữa Nga và Ukraine.
Các nhà quan sát dự đoán Mỹ và EU có thể nhằm mục tiêu vào các khu vực năng lượng, vũ khí và tài chính của Nga. Riêng EU đang cân nhắc khả năng áp đặt trừng phạt đối với những cộng sự thân cận của Tổng thống Putin. Các nhà ngoại giao cho biết tổ chức này trong ngày 28/7 cũng đã đạt thỏa thuận sơ bộ về danh sách bổ sung những cá nhân và công ty bị trừng phạt, ngoài 87 người và 20 tổ chức đã bị trừng phạt trước đó.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, EU đã quyết định phong tỏa tài sản của một doanh nhân thân cận ông Putin, người bị cáo buộc hưởng lợi từ việc Crimea sáp nhập vào Nga. EU cũng có ý định trừng phạt 3 nhà tài phiệt Nga khác đang hoạt động tại Crimea và lãnh đạo phong trào đòi liên bang hóa đang hoạt động ở miền Đông Ukraine nhằm ngăn cản các doanh nhân này đầu tư vào Crimea và thành phố Sebastopol trong các lĩnh vực như xây dựng, vận tải, viễn thông và năng lượng. Tuy nhiên, những biện pháp này có thể bị phản bác tại Tòa án công lý châu Âu.
- Trong một dấu hiệu khác cho thấy chiều hướng xấu đi trong các mối quan hệ giữa Mỹ và Nga, Washington cùng ngày cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (IRNF), đồng thời kêu gọi hai bên tổ chức đàm phán ngay lập tức về vấn đề này. Một quan chức Chính quyền Mỹ cho rằng đây là một vấn đề rất nghiêm túc đòi hỏi Mỹ phải cùng Nga giải quyết ngay, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ tham vấn các đồng minh về vấn đề này. Theo quan chức Mỹ, Moskva đã vi phạm hiệp ước kiểm soát vũ khí ký kết năm 1987 khi thử một tên lửa hành trình phóng từ mặt đất hồi năm 2008.
TTXVN/ Tin tức