Một báo cáo công bố ngày 25/9 kết luận Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vẫn thiếu chiến lược và tầm ảnh hưởng ở các quốc gia từng diễn ra làn sóng Mùa Xuân Arập dù đã rót hàng tỉ USD viện trợ cho khu vực này từ năm 2011. Báo cáo của Trung tâm Rafik Hariri nghiên cứu về Trung Đông của Hội đồng Đại Tây Dương khẳng định hơn hai năm sau làn sóng biểu tình đường phố lật đổ một loạt chính quyền ở Trung Đông và Bắc Phi, Mỹ và EU vẫn chưa có được những định hướng chính trị cần thiết cũng như chiến lược phát triển bền vững nhằm giúp đỡ Ai Cập, Tunisia. Libya và Yemen trong thời kỳ chuyển giao dân chủ.
Người biểu tình ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo và cựu Tổng thống bị lật đổ của Ai Cập Mohamed Morsi trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh ngày 30/8/2013. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngoài ra, báo cáo cũng hoài nghi khả năng tài chính của Mỹ và EU so với số tiền mặt vô cùng lớn mà các nước vùng Vịnh có thể cung cấp nhanh chóng cho quốc gia trong khu vực. "Mệt mỏi và gây thất vọng nhiều hơn là mạnh mẽ và hy vọng" là những từ ngữ mà báo cáo sử dụng để khắc họa mối quan hệ trong năm qua giữa Mỹ và EU với các quốc gia này.
Cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ Amy Hawthorne nhận định việc ủng hộ phong trào Mùa Xuân Arập không phải là ưu tiên của nước Mỹ dù bài phát biểu hồi tháng 5 của Tổng thống Barack Obama cam kết sẽ trợ giúp về ngoại giao, kinh tế và viện trợ chiến lược nhằm thúc đẩy sự chuyển giao dân chủ nhanh chóng ở khu vực này.
Trong khi đó, chính sách của EU lại cho thấy sự lệch pha giữa những cam kết và sự sẵn lòng của khối liên minh này. Tài liệu này nhận định EU không có tầm nhìn chiến lược ở khu vực này do sự khác nhau trong lĩnh vực ưu tiên của mỗi thành viên. Theo đó, các nước như Pháp, Anh tập trung nhiều vào vấn đề an ninh, song Tây Ban Nha và Italy lại chú trọng vào di trú, trong khi một số nước như Thụy Sĩ, Hà Lan và Ba Lan lại cam kết với quá trình chuyển giao dân chủ.
Báo cáo không cung cấp thông tin cụ thể về tổng số tiền trợ cấp EU và Mỹ cung cấp cho cả khu vực này. Tuy nhiên, điểm đến của phần lớn viện trợ của Mỹ là Ai Cập với hơn 1 tỉ USD cam kết, trong đó 190 triệu USD đã được chuyển giao hồi tháng 3. Trong khi đó, EU đã viện trợ 250 triệu euro cho Ai Cập, ngoài ra còn một khoản 750 triệu euro dành để cho vay và trợ cấp.
TTXVN/Tin tức