Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng, John Bolton nêu rõ: "Đây là sự gia hạn ngắn 90 ngày". Quan chức này cũng nhấn mạnh Mỹ vẫn theo dõi rất sát sao các hoạt động hạt nhân tại các cơ sở trên.
Các dự án nói trên gồm nhà máy điện hạt nhân Busher, lò phản ứng nước nặng Arak (đã được thay đổi dưới sự giám sát của cộng đồng quốc tế để đảm bảo không sản xuất được plutoni phục vụ mục đích quân sự), và cơ sở làm giàu hạt nhân Fordow.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết việc gia hạn miễn trừ trừng phạt đối với 3 dự án hạt nhân dân sự nói trên của Iran sẽ giúp "tiếp tục hạn chế chương trình hạt nhân của chính quyền Tehran".
Tháng 5 vừa qua, Mỹ đã gia hạn 90 ngày miễn trừ trừng phạt các dự án hạt nhân trên của Iran, thời hạn này hết hiệu lực vào ngày 1/8. Trước đó, thời hạn miễn trừ trừng phạt của Mỹ đối với các dự án này là 180 ngày. Tuy nhiên, đầu tháng 5 vừa qua, Wasshington quyết định siết chặt các biện pháp đơn phương hạn chế chương trình hạt nhân của Iran và giảm thời hạn miễn trừ xuống còn 90 ngày.
Chính quyền các nước châu Âu kêu gọi Washington không hủy bỏ những miễn trừ này để tránh nguy cơ thỏa thuận hạt nhân với Iran đổ vỡ hoàn toàn.
Theo thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Đức), Tehran hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Các cường quốc cam kết giúp Iran phát triển năng lượng hạt nhân dân sự, đồng thời Tehran cam kết xây dựng lại lò phản ứng nước nặng tại Arak để tiến hành các nghiên cứu hạt nhân phục vụ mục đích hòa bình, theo đó Iran đã phá hủy lõi lò phản ứng này.
Ngày 8/5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân trên và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Đúng một năm sau đó, ngày 8/5 vừa qua, Tổng thống Iran Hassan Rouhani thông báo Tehran khôi phục hoạt động làm giàu urani và tạm ngừng hiện đại hóa lò phản ứng nước nặng tại Arak nếu các nước tham gia thỏa thuận không thực hiện các cam kết đảm bảo lợi ích của Iran.