Theo phóng viên TTXVN tại Washington, trả lời phóng viên báo chí tại Nhà Trắng, ông Trump nói: “Ông Rand là một người bạn của tôi và ông Rand đã hỏi tôi liệu ông ấy có thể tham gia. Câu trả lời là 'có' và nếu các thượng nghị sĩ khác yêu cầu tham gia, tôi có thể sẽ đồng ý, tùy thuộc vào việc họ là ai”.
Tuyên bố trên của Tổng thống Trump trái ngược với thông báo mà ông đã đưa ra trước đây, trong đó phủ nhận việc đồng ý để Thượng nghị sĩ Rand Paul làm người đại diện đàm phán với Iran.
Ông Rand Paul - một chính trị gia theo chủ nghĩa biệt lập, đã nhiều lần “đụng độ” với các cố vấn theo đường lối “diều hâu” của Tổng thống Trump, trong đó có Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và Ngoại trưởng Mike Pompeo.
Ông Rand Paul cũng đã đề xuất gặp Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nhằm tiến hành các cuộc đàm phán giữa hai bên. Thượng nghị sĩ này luôn phản đối sự can thiệp của quân đội Mỹ ở nước ngoài, đồng thời cho rằng nếu chính quyền Tổng thống Trump muốn tiến hành một cuộc chiến tranh với Iran thì cần phải nhận được sự cho phép của Quốc hội Mỹ.
Cùng ngày, phát biểu tại một hội nghị chống khủng bố tại thủ đô Buenos Aires (Argentina), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ muốn Iran tới bàn đàm phán. Tuyên bố của ông Pompeo đưa đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Tehran tiếp tục gia tăng.
Tại hội nghị này, Ngoại trưởng Pompeo cũng đã nhắc lại đề nghị của Tổng thống Donald Trump về việc tiến hành các cuộc đàm phán với Iran mà không cần điều kiện tiên quyết.
Trong một tuyên bố với báo giới, ông Pompeo nói: "Người Iran tiếp tục nói họ sẽ đàm phán về điều này, nhưng chỉ khi Mỹ thực hiện một điều gì đó. Chúng tôi cần họ tới bàn đàm phán. Đó là cách thức đúng đắn để giải quyết những thách thức này".
Quan hệ giữa Mỹ và Iran trở nên căng thẳng từ tháng 5/2018 khi Tổng thống Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt quốc gia Trung Đông này. Quan hệ giữa hai nước càng xấu hơn từ 2 tháng trở lại đây khi Mỹ tăng cường sức ép nhằm ngăn chặn hoàn toàn hoạt động xuất khẩu dầu mỏ, ngành kinh tế chủ lực của Iran.
Đặc biệt, quan hệ giữa Mỹ và Iran tiến sát "lằn ranh đỏ" sau vụ Iran bắn rơi máy bay do thám không người lái của Mỹ trên Eo biển Hormuz ngày 20/6 vừa qua. Cho dù đã rút lại quyết định không kích trả đũa khi “tên lửa đã lên bệ phóng”, nhưng ông chủ Nhà Trắng vẫn áp đặt nhiều lệnh cấm vận nhằm vào các quan chức hàng đầu Iran. Phía Tehran đã đáp trả Mỹ bằng cách rút khỏi một số cam kết hạt nhân quan trọng nhất và vượt ngưỡng cho phép làm giàu urani.
Trong động thái mới nhất làm gia tăng căng thẳng vốn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt giữa Washington và Tehran, ngày 18/7, Tổng thống Trump cho biết tàu tấn công đổ bộ U.S.S Boxer của Mỹ đã bắn hạ một máy bay không người lái của Iran do chiếc máy bay này tiến gần tàu của Mỹ và không dừng lại bất chấp nhiều lời kêu gọi từ phía Mỹ, đe dọa tới đến sự an toàn của tàu Boxer cũng như thủy thủ đoàn.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif ngày 18/7 khẳng định ông chưa nhận được thông tin nào về việc một máy bay không người lái của nước này bị bắn hạ.