Ngay sau vụ tấn công ngày 11/9, chính quyền của Tổng thống George W. Bush đã nhận được lời đề nghị giúp đỡ từ Tehran. Trong vòng vài tháng sau đó, Iran đã cung cấp thông tin và hỗ trợ tình báo cho phía Mỹ khi mà hai nước hợp tác với nhau ở Afghanistan nhằm chống lại kẻ thù chung Taliban.
Chung một chiến tuyến?
Với việc Iraq đang có nguy cơ sụp đổ như hiện nay, Mỹ và Iran một lần nữa lại tìm đến nhau để đứng chung một chiến tuyến trong cuộc chiến chống lại lực lượng phiến quân Hồi giáo dòng Sunni đang nắm quyền kiểm soát nhiều khu vực ở phía tây bắc Iraq. Tuy nhiên, lần này Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm ra những lý lẽ chung thực sự với Iran về cuộc khủng hoảng mới ở Iraq. Ông Shashank Joshi, chuyên gia của Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI), cho biết: "Cái mà chúng tôi nhìn thấy cho đến nay chỉ là quá trình thăm dò. Tuy nhiên, phạm vi hợp tác thật sự là khá hạn chế".
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và người đồng cấp Iran Hassan Rowhani. |
Kể từ khi Tổng thống Barack Obama điện đàm với người đồng cấp Iran Hassan Rowhani hồi tháng 9/2013, đã có nhiều bàn tán về việc nối lại quan hệ giữa Mỹ và Iran và mối quan hệ này có thể vượt qua cả cuộc đàm phán hạt nhân. Những đồn đoán càng gia tăng khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns có cuộc thảo luận ngắn về tình hình Iraq với Ngoại trưởng Iran Javad Zarif bên lề cuộc đàm phán hạt nhân ở Vienna (Áo) ngày 16/6 vừa qua.
Mặc dù trước đó, Iran đã dùng ảnh hưởng của mình đối với chính phủ Iraq để ngăn chặn chính quyền Obama duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ lâu dài ở Iraq sau năm 2011 nhưng trong tuần này, một số quan chức Iran lại hoan nghênh ý tưởng Mỹ can thiệp quân sự vào nước này nhằm tiêu diệt lực lượng phiến quân Hồi giáo dòng Sunni. Ông Trita Parsi, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Iran-Mỹ, cho rằng: "Thực tế là Iran và Mỹ cần nhau. Cả hai nước cần nhận ra khả năng của nhau trong việc đóng vai trò ổn định tình hình".
Những khác biệt
Tuy nhiên, trong khi hai nước đang phải đối mặt với kẻ thù chung là "Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và vùng Levant" (ISIL), nhiều nhà phân tích cho rằng Tehran và Washington có những ưu tiên và mục tiêu rất khác nhau trong cuộc khủng hoảng hiện nay ở Iraq.
Thứ nhất là liên quan đến việc can thiệp quân sự vào Iraq. Trong ngắn hạn, Iran có thể muốn Mỹ sử dụng không quân tấn công lực lượng phiến quân Hồi giáo dòng Sunni nếu như việc này hỗ trợ cho chính phủ thân Iran của Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki. Tuy nhiên, sự can thiệp quân sự mang tính quyết định của Iran sẽ không mang lại lợi ích cho Mỹ vì điều này có thể làm trầm trọng hơn mâu thuẫn phe phái trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Cựu Đại sứ Mỹ tại Iraq Ryan Crocker phát biểu: "Chúng tôi phối hợp với Iran ở Afghanistan trước và sau khi Taliban sụp đổ, bởi vậy có một số việc chúng tôi có thể làm, nhưng cả hai nước vẫn cần phải thận trọng.
Nếu chúng tôi hợp tác quá chặt chẽ với Iran, điều đó sẽ khiến người Hồi giáo dòng Sunni càng trở nên xa lánh hơn". Một số người ủng hộ việc lôi kéo Iran tham gia vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng cho rằng mục đích chính sẽ là ngăn chặn sự can thiệp mạnh mẽ hơn của Iran. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham thuộc Đảng Cộng hòa phát biểu với CNN rằng: "Chúng tôi nên có các cuộc thảo luận với Iran nhằm đảm bảo rằng họ không lợi dụng cơ hội này để nắm quyền kiểm soát các khu vực ở Iraq".
Hợp tác với Iran cũng sẽ khiến cho các đồng minh theo dòng Sunni của Mỹ trong khu vực tức giận. Saudi Arabia vốn đã không hài lòng với chính sách ngoại giao hạt nhân của Mỹ với Tehran và sẽ coi nỗ lực chung giữa Mỹ và Iran nhằm cứu ông Maliki là một bằng chứng nữa của sự phản bội. Đối với Saudi Arabia, ông Maliki chỉ là "quân tốt" của Iran, trong khi Thủ tướng Iraq cáo buộc Saudi Arabia tội "diệt chủng" vì ủng hộ lực lượng phiến quân dòng Sunni.
Mỹ và Iran cũng có thể có những quan điểm khác nhau về tương lai chính trị của Iraq. Hồi tuần trước, ông Obama tuyên bố rằng cách thức duy nhất để đánh bại phiến quân dòng Sunni và duy trì toàn vẹn lãnh thổ của Iraq là thành lập một chính phủ mới ở Baghdad bao gồm nhiều thành viên người Sunni và Kurk hơn. Một trong những mục đích của cuộc thảo luận giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif là đánh giá xem Tehran có thể dùng ảnh hưởng của mình đối với ông Maliki trong việc thúc đẩy việc thành lập một chính phủ như vậy hay không.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ Tehran có lo ngại về khả năng Iraq sụp đổ giống như Washington hay không. Ông Joshi cho rằng: "Nếu điều này thực sự xảy ra, Iran sẽ chấp nhận thực tế là sự chia cắt của Iraq với điều kiện nước này vẫn duy trì các kênh liên lạc với khu vực của người Shi'ite. Iran đã mất khá nhiều thời gian xây dựng mối quan hệ với ông Maliki, do đó Tehran sẽ không từ bỏ điều đó để đổi lấy một tiến trình cải cách chính trị như đồn đoán với sự tham gia nhiều hơn của người Sunni".
Ngay cả khi các nhà ngoại giao của hai nước nhận thấy rằng Mỹ và Iran có quan điểm chung về cuộc khủng hoảng thì phạm vi hợp tác vẫn sẽ bị hạn chế do sự phản đối chính trị ở trong nước. Ông Robert Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, phát biểu: "Tôi hy vọng rằng chính quyền không tính đến việc lôi kéo Iran tham gia. Iran đã huấn luyện rất nhiều tay súng người Shi'ite - lực lượng đã tấn công và giết hại nhiều binh sĩ Mỹ ở Iraq".
Huy Hiệp (Theo "Thời báo Tài chính", Anh)