Nhận định trên do Phó Đại diện thương mại Mỹ (USTR) Sarah Bianchi chia sẻ trong bài phỏng vấn với hãng tin Reuters hôm 16/11, bên lề Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Bà Bianchi cũng cho biết USTR sẽ sớm thông báo về những tiến bộ liên quan đến ngôn ngữ trong các nội dung thương mại của IPEF. Nhưng phía Mỹ sẽ phải điều chỉnh lại nội dung đàm phán với các đối tác trong năm tới. Bà Bianchi cho hay lộ trình do phía Mỹ nhận định cho năm 2024 hơi khác so với dự kiến trước đó, vì một số công việc vẫn đang được tiến hành.
Trong khi đó, theo các nguồn tin thân cận, một số quốc gia đã bác bỏ yêu cầu của Mỹ về việc thực thi các tiêu chuẩn về quyền lao động thông qua hệ thống giải quyết tranh chấp tương tự như trong hiệp định thương mại Mỹ - Canada - Mexico.
Phó Đại diện thương mại Bianchi cho biết một số trong 12 quốc gia IPEF tham gia đàm phán muốn một “cách tiếp cận khác" đối với các nội dung về lao động và môi trường. Nhưng họ vẫn ủng hộ tiếp tục đàm phán.
Bà Bianchi cho hay ngay cả khi không có những lợi ích như giảm thuế, các đối tác của IPEF vẫn nhận thấy giá trị từ những quy định về thực hành quản lý tốt, thuận lợi hóa thương mại và nông nghiệp. Những điều này sẽ giúp thúc đẩy đầu tư vào các nền kinh tế đó.
Ngoài ra, bà Bianchi thừa nhận rằng những biến động chính trị trong năm bầu cử có thể làm phức tạp các cuộc đàm phán vào năm tới như đã từng xảy ra với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Việc không hoàn thành ít nhất một vài chương trong đàm phán thương mại IPEF là một trở ngại đối với Tổng thống Joe Biden. Theo giới quan sát, ông muốn đưa ra sáng kiến này tại Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC như một biểu tượng cho sự gia tăng hiện diện về kinh tế của Mỹ tại châu Á. Mục tiêu là mang lại cho các nước trong khu vực một đối trọng với sức ảnh hưởng thương mại ngày càng tăng của Trung Quốc.