Thông tin trên do hai nguồn thạo tin đưa ra ngày 11/7, song không cho biết lý do cụ thể về quyết định này của Mỹ.
Một nguồn tin giấu tên nhận định "những cái đầu lạnh đang chiếm ưu thế", theo đó giới chức Mỹ cho rằng việc áp đặt trừng phạt đối với Ngoại trưởng Iran thời điểm này không chắc có tác dụng. Nguồn tin này cho biết thêm Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã phản đối áp đặt trừng phạt Ngoại trưởng Iran trong thời điểm hiện nay.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 24/6 tuyên bố Ngoại trưởng Iran Javad Zarif sẽ bị đưa vào danh sách đen của Mỹ ngay trong tuần đó. Bộ Tài chính Mỹ còn cho lưu hành nội bộ một dự thảo thông cáo báo chí về các biện pháp trừng phạt Ngoại trưởng Iran.
Tuy nhiên, việc đưa ông Zarif, nhà đàm phán chính của Iran, vào danh sách đen sẽ là một động thái bất thường vì có thể ngăn chặn bất cứ nỗ lực nào của Mỹ trong việc sử dụng biện pháp ngoại giao để giải quyết những bất đồng với Tehran liên quan chương trình hạt nhân và các thử nghiệm tên lửa của Iran cũng như các hoạt động của nước này trong khu vực.
Ngoại trưởng Iran dự kiến sẽ tham dự hội nghị Liên hợp quốc trong tuần tới bàn về các mục tiêu phát triển bền vững giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có xung đột, đói nghèo, bình đẳng giới và thay đổi khí hậu vào năm 2030. Để ông Zarif tham dự hội nghị này, Mỹ sẽ phải cấp thị thực nhập cảnh cho ông, và đây cũng là một tín hiệu cho thấy Washington sẽ hoãn áp đặt trừng phạt trong thời điểm hiện nay.
Cùng ngày 11/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho biết Washington muốn một giải pháp ngoại giao với Iran, đồng thời nhắc lại tuyên bố của Tổng thống Donald Trump rằng ông sẵn sàng gặp lãnh đạo Iran mà không có điều kiện tiên quyết.
Quan hệ Mỹ - Iran không ngừng leo thang căng thẳng trong thời gian gần đây, sau khi Mỹ hồi tháng 5/2018 đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân có tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) ký kết năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) và tái áp đặt các lệnh trừng phạt Tehran. Căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ chủ chốt của nền kinh tế Iran và nhằm vào Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei cùng nhiều quan chức cấp cao khác.
Sau nhiều nỗ lực kêu gọi và chờ đợi các bên còn lại trong JCPOA đảm bảo các lợi ích của Iran theo thỏa thuận mà không có kết quả rõ ràng, đầu tháng 7 này, Tehran tuyên bố điều chỉnh phạm vi tuân thủ JCPOA.
Hãng tin Reuters dẫn các nguồn thạo tin cho biết, trong phiên họp kín ngày 10/7, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thông báo với các quốc gia thành viên rằng Iran đang làm giàu urani tới độ tinh khiết 4,5%, cao hơn giới hạn 3,67% mà Tehran đã nhất trí trong JCPOA. Giới chức Iran còn cảnh báo nước này có thể sẽ làm giàu urani lên mức gần 20% trong thời gian tới.