Hơn 10 ngày qua là quãng thời gian căng thẳng nhất trong 2 năm rưỡi của cuộc khủng hoảng Syria. Cuộc khủng hoảng khởi nguồn từ vụ tấn công vũ khí hóa học kinh hoàng và bị đẩy tới giai đoạn tồi tệ hơn khi lựa chọn hành động quân sự “hạn chế và quy mô hẹp”đã được Mỹ đưa lên hàng đầu. Cho dù tất cả các bên đều hiểu, đây không phải lối thoát có thể thay đổi chiều hướng của vấn đề Syria hiện nay.
“Khua chiêng đánh trống”
Tiếng trống trận đã rộn rã khắp khu vực Trung Đông trong bối cảnh ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ và một số nước đồng minh chuẩn bị phát động một chiến dịch can thiệp quân sự đầy mạo hiểm nhằm vào Syria, với cáo buộc quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad đứng sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ngày 21/8 ở ngoại ô Damascus.
Mỹ triển khai quân đội tới Địa Trung Hải.Ảnh: Defensenews |
Thông điệp quan trọng mà Tổng thống Mỹ Obama đưa ra mới đây tại Nhà Trắng là sẽ sử dụng vũ lực nhằm “trừng phạt” Syria. Ông Obama cũng cho biết, lực lượng quân đội Mỹ với các vũ khí tấn công đã vào vị trí sẵn sàng hành động theo mệnh lệnh của Tổng thống và đây sẽ là một cuộc tấn công “giới hạn về quy mô và thời gian”, không có sự tham gia của lực lượng bộ binh.
Tin từ Lầu Năm Góc cho biết, tàu sân bay hạt nhân USS Nimitz cùng đội tàu chiến đang hướng tới Biển Đỏ, để hỗ trợ cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào Syria, trong trường hợp cần thiết. Đội tàu chiến này bao gồm 4 tàu khu trục và một tuần dương hạm đang di chuyển về phía tây Biển Arập, để có thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp. Bên cạnh đó, Hải quân Mỹ đã triển khai tàu vận tải đổ bộ USS San Antonio có khả năng chở 4 trực thăng và hàng trăm lính thủy đánh bộ tại khu vực đông Địa Trung Hải, khu vực vốn đã có sự hiện diện của 5 tàu khu trục trang bị tên lửa hành trình.
Tuy nhiên, trong một động thái gây ngạc nhiên, ngày 1/9, Tổng thống Obama thận trọng tuyên bố “sẽ tìm kiếm sự phê chuẩn sử dụng vũ lực từ phía Quốc hội, nơi đại diện cho tiếng nói của người dân Mỹ”. Tổng thống Mỹ đã phá vỡ tiền lệ trong nhiều thập kỷ qua khi tìm kiếm sự chấp thuận của Quốc hội trước khi phát lệnh tấn công Syria. Tuyên bố trên của ông Obama sẽ dẫn đến việc trì hoãn hành động quân sự cho đến ít nhất ngày 9/9 khi các nhà lập pháp Mỹ bắt đầu quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ hè.
Một quan chức Nhà Trắng cho biết kế “hoãn binh” sẽ cho phép ông Obama thời gian để tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế. Nhưng cuộc chiến khó khăn nhất, và có lẽ là nguy hiểm nhất đối với sự tín nhiệm của ông Obama, lúc này có lẽ đến từ Quốc hội, nơi mà sự ủng hộ cho một kế hoạch can thiệp quân sự khó có thể được bảo đảm.
Theo Điều 42 của chương 7 Hiến chương LHQ, chỉ có Hội đồng Bảo an mới có thẩm quyền quyết định cho phép sử dụng vũ lực. Quyết định này phải được tối thiểu 9/15 nước thành viên Hội đồng Bảo an bỏ phiếu thuận, trong đó năm nước thành viên thường trực (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc) không được bỏ phiếu phủ quyết. Viện dẫn chương 7 Hiến chương LHQ (hành động trong trường hợp hòa bình bị đe dọa, bị phá hoại hoặc có hành vi xâm lược), năm 2011, Hội đồng Bảo an đã bật đèn xanh cho chiến dịch can thiệp quân sự vào Libya. |
Thật vậy, các nhà quan sát cảnh báo rằng ông Obama phải đối mặt với số phận tương tự như Thủ tướng David Cameron, người hôm 31/8 đã từ chối khi đề xuất tại Quốc hội Anh về việc tham gia tấn công Syria. Đảng Dân chủ của Tổng thống Obama kiểm soát Thượng viện nhưng Hạ viện lại nằm dưới quyền kiểm soát của đảng Cộng hòa và cả hai bên hiện đang bị chia rẽ về vấn đề này, khiến việc thông qua một hành động quân sự là không chắc chắn.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Bob Corker, người ủng hộ một cuộc tấn công hạn chế chống lại Syria, nói rằng đây là thời điểm khó khăn để ông giành được sự ủng hộ. Một số nghị sỹ Cộng hòa khác lại lên tiếng chỉ trích ông Obama không nhất quán trong lời nói và hành động, do vậy đã tự đẩy mình và nước Mỹ vào một tình thế khó xử.
Nếu không tấn công Syria, nước Mỹ sẽ bị mất mặt. Nếu tấn công, cái giá phải trả cho hành động quân sự đơn phương tại Syria là quá lớn. Chỉ tính riêng bắn vài chục quả tên lửa Tomahawk đã tốn khoảng 600 triệu USD (theo Defense News) trong bối cảnh Lầu Năm Góc đang bị cắt giảm ngân sách trầm trọng.
Nhiều nhà phân tích lại đánh giá việc Tổng thống Obama tìm kiếm sự ủng hộ của Quốc hội rồi mới phát động tấn công Syria là một bước lùi so với những tuyên bố và động thái trước đó của chính ông và cũng là phần nào cho thấy chính quyền Obama có thể không thực sự muốn dính líu quân sự vào Syria.
Cơ sở pháp lý nào?
Theo hãng Reuters, một điều trớ trêu là ông Obama, người từng được giải Nobel Hòa bình, đang trở thành một vị “tổng thống của chiến tranh”. Ông cũng thường xuyên ra lệnh cho các máy bay không người lái tiêu diệt những đối tượng được cho là khủng bố. Những phát ngôn của ông Obama gần đây cho thấy Tổng thống Mỹ sắp trở thành kẻ hiếu chiến trong cuộc xung đột ở Syria, sẵn sàng sử dụng vũ lực nhằm “trừng phạt” chính phủ Syria vì đã vượt qua một “giới hạn đỏ” mà ông tuyên bố một năm trước đây. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn về tính hợp pháp của việc can thiệp bằng vũ lực của Mỹ vào một nước có chủ quyền.
Can thiệp quân sự trên cơ sở nhân đạo được cho là hợp pháp dựa trên khung pháp lý mang tên Trách nhiệm Bảo vệ (R2P) của cộng đồng quốc tế khi một quốc gia bất lực hoặc không muốn bảo vệ nhân dân của quốc gia đó đối với bốn tội ác rất nghiêm trọng gồm: tội ác diệt chủng, tội ác chiến tranh, thanh trừng sắc tộc và tội ác chống nhân loại. R2P cung cấp một cơ sở pháp lý cho cộng đồng quốc tế để sử dụng vũ lực, thông qua liên minh khu vực hoặc “liên minh đồng thuận”. Nói cách khác, nó cung cấp cho liên minh một quyền lực hạn chế và họ phải chứng minh rằng tất cả các tiêu chí để can thiệp quân sự đã rõ ràng. Nếu muốn can thiệp quân sự vào Syria, các nước này sẽ phải chứng tỏ rằng, tình trạng tội ác đang diễn ra, tất cả các biện pháp hòa bình đều đã được thực hiện và việc đưa ra hành động quân sự sẽ đạt được mục đích kép là chấm dứt tội ác và bảo vệ thường dân.
Tuy nhiên, dù chưa có kết luận cuối cùng của LHQ về kết quả điều tra vụ tấn công được cho là sử dụng vũ khí hóa học tại Syria (dự kiến sẽ có sau 3 tuần nữa) thì ngày 28/8, Bộ Ngoại giao Mỹ thẳng thừng tuyên bố nước này vẫn có kế hoạch tấn công Syria kể cả khi không nhận được sự ủng hộ của Hội đồng bảo an LHQ.
Tuyên bố trên gây ra sự phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Nga. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 2/9 tuyên bố Moscow thề sẽ bảo vệ luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ trước những âm mưu tạo ra cái gọi là “các cuộc xung đột có kiểm soát”. Trước đó, Tổng thống Nga Putin cũng đã chỉ trích Mỹ về việc Washington cáo buộc Syria sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường là không thể tưởng tượng nổi bởi hiện nay quân chính phủ Syria đang thắng thế và không có lý do gì họ lại sử dụng vũ khí hóa học.
Theo lời Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 3/9, Quốc hội Mỹ không phải là cơ quan có thẩm quyền cho phép hành động quân sự đối với Syria. Chỉ có Hội đồng Bảo an LHQ, trong trường hợp đặc biệt, có thể ủy quyền cho một hành động tập thể, và điều đó phải thực hiện theo Chương 7 của Hiến chương LHQ.
Ngoại trưởng Iran nhấn mạnh rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama không thể giải thích và thay đổi luật pháp quốc tế dựa trên mong muốn của mình.
"Sẽ là điều khôn ngoan nếu ông Obama tận dụng cơ hội trong vài ngày này để suy nghĩ lại vấn đề Syria, hiếu chiến sẽ không mang lại lợi ích cho bất cứ ai", ông Zarif nói thêm.
Việc tổng thống Obama quyết định tấn công Syria nhưng sẽ lấy ý kiến của Quốc hội Mỹ đồng nghĩa với việc tạo thêm một thời hạn và loại trừ một cuộc tấn công chớp nhoáng trong những ngày tới. Quyết định này thực sự đã hạ nhiệt được bầu không khí nóng bỏng đồng thời mở thêm một cơ hội đối thoại mới trước một giải pháp quân sự. Tuy nhiên cũng cần phải thấy rằng không thể quá lạc quan về một lối thoát nhanh chóng đối với Syria bởi khó đoán trước được điều gì sẽ xảy ra tại đất nước Trung Đông này.
Công Thuận