Mỹ đang lo ngại "kịch bản" Crimea có thể lặp lại tại khu vực Pridnestrovie, vùng đất thuộc Moldova nhưng có đông người Nga sinh sống và đòi tách ra độc lập từ hàng thập kỷ nay. Trong khi đó Romania cũng lên tiếng yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) nên rút kinh nghiệm và chớ để vuột mất Moldova.
Các phương tiện truyền thông ngày 24/3 đưa tin Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain không loại trừ việc Nga có thể tuyên bố chủ quyền tại Pridnestrovye, nếu như Moldova "noi gương" Ukraine và bày tỏ mong muốn gia nhập EU. Hiện nay, mối quan hệ giữa các quốc gia và EU được quy định bởi Chính sách láng giềng châu Âu.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (giữa) hội đàm với Thủ tướng Moldova Yuri Liank (phải) và Tổng thống Moldova Nicolae Timofti (trái) Ảnh: Reuters |
Kết quả chuyến thăm châu Âu 4 ngày của Tổng thống Mỹ Barack Obama, bắt đầu từ 24/3, cũng có thể dẫn đến việc điều chỉnh các hành động của NATO gần biên giới Ukraine và Moldova. Trước đó, tướng Philip Breedlove của NATO bày tỏ lo ngại việc Nga tập trung quân suốt dọc biên giới phía đông của Ukraine và Nga có thể dễ dàng điều quân đội đến Pridnestrovye của Moldova.
Trong vai trò là trung gian kết nối giữa Moldova và Liên minh châu Âu, Romania ủng hộ mạnh mẽ các chính sách thân phương Tây của Chisinau, tuy nhiên nước này cho rằng Moldova chỉ có thể nên gia nhập EU và NATO, sau khi đã hóa giải được các cuộc xung đột tại Pridnestrovye. Điều này chính Thủ tướng Romania Victor Ponta cũng phải thừa nhận, khi cho rằng "không một quốc gia nào có thể tham gia NATO, nếu trong lãnh thổ của họ có quân đội Nga đồn trú".
Một vài ngày trước, Tổng thống Romania Traian Basescu cũng đã kêu gọi EU nên chỉ định chính xác ngày kết nạp Moldova vào khối này, nhằm đảm bảo an ninh khu vực cũng như tránh gây bất ổn cho đất nước Ukraine vốn không "cam chịu" mất Crimea và một số tỉnh miền đông.
Trong khi đó, theo một số nguồn tin, Moldova cũng đưa ra biện pháp trừng phạt chống lại các quan chức Nga, đặc biệt là Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin, trợ lý Tổng thống Nga Vladislav Surkov và Sergei Glazyev, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Sergei Naryshkin và Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Valentina Matviyenko. Những nhân vật này có thể bị từ chối nhập cảnh Moldova. Họ cũng có tên trong danh sách trừng phạt của EU. Bình luận về động thái này, ông Rogozin khẳng định rằng chính ông cũng muốn nhận được lời bình luận gì đó từ phía ban lãnh đạo Moldova, "nhằm ít nhiều có thể xác lập rõ ràng mối quan hệ của chúng tôi".
Tuy nhiên, phía Moldova chỉ thừa nhận rằng họ có tham gia thực thi những biện pháp trừng phạt một số công dân Ukraine và từ chối thông qua các biện pháp chống lại Nga.
Thư ký báo chí Thủ tướng Moldova, bà Liliana Visa phủ nhận thông tin về việc Chisinau thi hành các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga. Theo lời bà Liliana Visa, đây chỉ là những thông tin thất thiệt của một số đảng phái nhằm thể hiện mình. Thông tin chính thức tại phiên họp Quốc hội Moldova hồi cuối tuần qua, khẳng định Moldova chỉ tham gia thực thi các lệnh trừng phạt của EU đối với một số cựu lãnh đạo Ukraine mà thôi; và rằng mọi thông tin khác đều không chính xác.