Có lẽ chưa bao giờ Mỹ lại lâm vào một tình huống khó xử về ngoại giao và bị mất uy tín như hiện nay với hàng loạt vấn đề khiến cho các nước đồng minh gần gũi, truyền thống của mình - từ châu Âu, Mỹ Latinh, Trung Đông cho tới châu Á - đều bắt đầu đặt câu hỏi: Liệu Washington đang quay lưng lại với họ?
Châu Âu bất bình
Vụ bê bối Mỹ nghe lén điện thoại của đồng minh bị phanh phui tiếp tục tạo ra “cơn bão ngoại giao”, gây ra sự tức giận lớn trong các nước đồng minh châu Âu. Nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki ngày 25/10 thừa nhận "không còn nghi ngờ gì rằng vụ việc trên đã dẫn tới những căng thẳng" trong quan hệ của Mỹ với một số đồng minh.
Người dân Đức biểu tình phản đối chương trình nghe lén của Mỹ tại Beclin. AFP/TTXVN |
Theo tờ El Pais của Tây Ban Nha ngày 28/10, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã theo dõi trái phép khoảng 60 triệu cuộc điện thoại trong thời gian gần một tháng, tính đến ngày 8/1 tại “xứ sở bò tót”. Tại Pháp, báo Le Monde ngày 22/10 tiết lộ chỉ trong thời gian từ 10/12/2012 - 8/1/2013, NSA đã ghi chép dữ liệu tổng cộng 70,3 triệu cuộc điện thoại của công dân nước này. Còn tờ "The Guardian" (Anh) cho biết NSA đã thu chặn và nghe lén điện thoại di động 35 nhà lãnh đạo trên thế giới, trong đó có cả Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Đức đã triệu Đại sứ Mỹ tại nước này, John B. Emerson để làm sáng tỏ những thông tin hết sức nghiêm trọng về việc điện thoại của bà Merkel là một mục tiêu theo dõi của tình báo Mỹ. Theo Tổng thống Đức Joachim Gauck, nếu cáo buộc trên là đúng sự thật, sẽ làm tổn hại nghiêm trọng lòng tin giữa những người bạn và đối tác chính trị. Thủ tướng Merkel cũng đã gọi điện thoại cho Tổng thống Mỹ Obama yêu cầu "giải thích đầy đủ" vụ việc và nói: “Đây không chỉ là chuyện của riêng tôi, mà của tất cả công dân Đức. Giữa đồng minh với nhau cần có niềm tin và giờ đây phải xây dựng lại từ đầu niềm tin đó”.
Nhưng có lẽ nước bị tổn thương nặng nhất là Pháp. Vụ NSA bị tố cáo ghi lén hàng chục triệu cú điện thoại tại nước này đã khiến quan hệ giữa Paris với Washington, vốn đã căng thẳng do vấn đề Syria, càng thêm nguội lạnh. Khi nói chuyện qua điện thoại với tổng thống Barack Obama, tổng thống François Hollande, với những từ ngữ đặc biệt gay gắt, đã bày tỏ “sự bất bình sâu sắc” trước những “hành động không thể chấp nhận được” giữa hai nước đồng minh, bởi vì nó vi phạm đời tư của công dân Pháp.
“Chúng ta cần phải có mối quan hệ tôn trọng giữa các đối tác, đồng minh. Lòng tin của chúng tôi đã bị tổn thương”, phát ngôn viên Chính phủ Pháp Najat Vallaud-Belkacem nói.
Trong bình luận ngày 26/10, Tổng thống Thụy Sĩ Ueli Maurer cho biết ông cảm thấy rất bất bình trước những tiết lộ về hoạt động do thám trên diện rộng của Mỹ đối với các đồng minh, khẳng định hành vi này sẽ làm suy yếu thay vì củng cố sức mạnh của Washington. Ông Maurer nêu rõ: “Anh không thể tiến hành hoạt động theo dõi và do thám đối với bạn bè của mình. Đó là cách anh hủy hoại lòng tin giữa các nước. Ngay cả khi lớn và mạnh, anh cũng không thể đè đầu những nước nhỏ hơn và nghe lén điện thoại của họ”.
Ngay cả Anh, đồng minh đặc biệt của Mỹ cũng bày tỏ sự không hài lòng, và hoàn toàn đồng ý với tuyên bố chung của 28 nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu tại Hội nghị cấp cao mùa Thu diễn ra từ 24 - 25/10 ở Brussels (Bỉ), kêu gọi Mỹ cần phải xây dựng lại sự tin cậy đã bị phá vỡ.
Trung Đông nghi ngờ
Ngoài việc đang phải vật lộn để xoa dịu những phẫn nộ và khiếu nại từ châu Âu (và cả châu Mỹ Latinh) rằng NSA theo dõi thông tin liên lạc các nhà lãnh đạo của họ, Nhà Trắng cũng đang phải tìm cách làm dịu căng thẳng trong quan hệ với những đồng minh Trung Đông.
Việc Mỹ cho rằng có thể chứng minh chương trình hạt nhân của Iran “có mục đích hòa bình chứ không phải quân sự” và từ chối vào phút chót ra lệnh tấn công Syria đã khiến các nước đồng minh của Mỹ ở Trung Đông tự hỏi liệu có phải Washington đang cố tình lờ đi để tránh bị lôi kéo vào một cuộc xung đột sâu rộng hơn; và Washington không quan tâm đến những lo ngại của các nước trong khu vực về việc Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân?
Phản ứng đầu tiên và mạnh mẽ nhất là Saudi Arabia. Quốc gia này đe dọa xem xét lại quan hệ với Mỹ và cảnh báo sẽ hạ mức quan hệ do lo ngại về thái độ không quyết đoán cũng như việc thiếu các biện pháp hợp lý của ông Obama nhằm chống lại các “kẻ thù chung”, đồng thời chỉ trích Washington đang trao cho đối phương một lợi thế chiến lược.
Người đứng đầu cơ quan tình báo Saudi Arabia - thái tử Bandar bin Sultan - cho rằng Vương quốc vùng Vịnh này sẽ tạo ra “vết nứt lớn” trong quan hệ với Mỹ. Cùng với việc từ chối chiếc ghế tại HĐBA, ông xem đây là cách Saudi Arabia phản đối sự thụ động của Mỹ trong cuộc nội chiến ở Syria, bước đi mềm hóa với Iran cũng như các chính sách khác của Mỹ trong khu vực.
Với quan hệ Mỹ - Israel, chỉ vài ngày sau khi Iran và Nhóm P5+1 kết thúc vòng đàm phán về chương trình hạt nhân của Tehran, đã xuất hiện dấu hiệu rạn nứt giữa hai đồng minh thân cận nhất.
Cách tiếp cận khác biệt giữa Washington và Tel Aviv trong vấn đề Iran là điều có thể nhận thấy rõ. Luôn khẳng định Iran đang theo đuổi việc sở hữu vũ khí hạt nhân, Thủ tướng Israel Netanyahu tin là giới chức Iran đang chơi trò lừa bịp nhằm vào phương Tây để mong nới lỏng các lệnh cấm vận, trong khi thực tế thì vẫn tiến hành các chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, cuối tuần qua, các quan chức Mỹ nói là Nhà Trắng đang thảo luận về khả năng trao cho Iran cơ hội giải ngân hàng tỉ USD tài sản bị phong tỏa nếu Tehran rút lại chương trình hạt nhân. Kế hoạch này cũng bao gồm việc chấm dứt một số lệnh cấm vận ngắn hạn nhằm vào Iran.
Tờ nhật báo Yediot Ahronot tại Israel thậm chí còn nhìn nhận, một “vụ nổ” giữa Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Mỹ Barack Obama là điều không thể tránh khỏi. Yoel Guzansky, một chuyên gia nghiên cứu về Iran, cho rằng: Sẽ luôn có khoảng cách giữa Mỹ và Israel, do mức độ đe dọa từ Iran đối với từng nước là không giống nhau.
Châu Á thất vọng
Chính sách đối ngoại của Mỹ với châu Á cũng đang có vấn đề. Việc ông Obama không thể đi đến châu Á hồi đầu tháng này vì thiếu ngân sách để lại ấn tượng tiêu cực ở một số nước ASEAN, nơi Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng.
Sự hủy bỏ chuyến thăm trên gây ra nghi ngờ về chiến lược tăng cường sự hiện diện tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Rizal Sukma, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Indonesia (CSIS) nhận định: Mặc dù trên thực tế có một số nhân vật hân hoan với sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ, nhưng hầu hết các nước tham gia hội nghị bày tỏ sự hối tiếc và thất vọng về quyết định của ông Obama.
Sau khi được lựa chọn cho chức Ngoại trưởng, các hoạt động của ông Jonh Kerry chủ yếu hướng sang các vấn đề nóng bỏng ở Trung Đông như cuộc nội chiến Syria, hòa đàm Israel-Palestine... Việc này khiến nhiều người cho rằng Mỹ đã bắt đầu “xoay ngược trục” tới Trung Đông. Bài phát biểu của ông Obama tại Liên hợp quốc hồi tháng trước tập trung nhiều vào Trung Đông cũng đã làm dấy lên câu hỏi về vị trí và tương lai của chiến lược “xoay trục” sang châu Á. Vì vậy, việc ông Obama quyết định không tham dự các hội nghị APEC và Đông Á ở châu Á đã củng cố quan điểm rằng chiến lược tái cân bằng sang châu Á của Mỹ thực sự không bền vững.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia phân tích, sự vắng mặt của ông chủ Nhà Trắng để lại "một đấu trường không đối thủ" cho Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, khiến mọi sự chú ý ở APEC đều dồn vào Chủ tịch Tập Cận Bình và dù muốn hay không cũng khiến dư luận có cảm giác rằng với châu Á, Mỹ không phải là một đồng minh hoàn toàn đáng tin cậy.
Rõ ràng, hình ảnh của Mỹ đang bị phai nhạt. Có sự sứt mẻ niềm tin giữa Washington với các đồng minh đồng thời các mối quan hệ giữa hai bên đang đứng trước những thử thách lớn. Volker Perthes, chuyên gia nghiên cứu của Viện nghiên cứu các vấn đề an ninh và quốc tế tại Béc-lin nhận định: "Lòng tin là chỉ số quan trọng trong các mối quan hệ quốc tế. Chỉ số lòng tin bị ảnh hưởng có thể gây ra những rạn nứt nghiêm trọng trong quan hệ".
Công Thuận(Tổng hợp)