Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã cùng xuất hiện tại sự kiện có tên “Howdy, Modi” tổ chức tại Houston, bang Texas (Mỹ) ngày 22/9.
Hãng tin Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết thỏa thuận đang được bàn thảo giữa hai quốc gia có nội dung giảm bớt một số loại thuế với sản phẩm của Mỹ và khôi phục ưu đãi thương mại của Washington với hàng hóa xuất khẩu của New Delhi.
Kênh RT (Nga) cho biết thỏa thuận giữa Mỹ và Ấn Độ có thể được thống nhất trong thời điểm chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chưa có nhiều dấu hiệu thoát khỏi bế tắc.
Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ dự kiến còn ký thỏa thuận với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào cuối tháng 9 nhằm giảm mức thuế áp dụng với một số nông sản Nhật Bản.
Ông Trump đã lên tiếng đề nghị những điều khoản có lợi hơn trong thương mại từ những đối tác thân thiết của Mỹ đồng thời cho rằng các thỏa thuận thương mại từ thời các chính quyền tiền nhiệm đã khiến Mỹ mất hàng triệu việc làm trong ngành sản xuất.
Trước đây, Tổng thống Trump đã nhiều lần than phiền về mức thuế cao “không thể chấp nhận được” của Ấn Độ. Năm 2018, nhà lãnh đạo Mỹ còn gọi Ấn Độ là “vua thuế”.
Tháng 3/2018, Mỹ áp đặt thuế lên sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Ấn Độ. Tháng 5 năm nay, Mỹ còn tuyên bố rút bỏ các ưu đãi thương mại với Ấn Độ. Tuyên bố này được đưa ra cùng ngày ông Modi tuyên thệ nhiệm kỳ 2. Không lâu sau đó, Ấn Độ công khai thuế trả đũa với 29 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Ấn Độ chủ yếu xuất khẩu máy móc, xe cộ, thuốc và đá quý tới Mỹ. Mức thuế Ấn Độ áp đặt với hạt óc chó Mỹ đã tăng vọt lên 120%.
Bất chấp động thái tăng thuế, thương mại giữa Ấn Độ và Mỹ vẫn tăng trưởng, đạt mức 142,1 tỷ USD trong năm 2018. Theo dữ liệu thống kê của Mỹ, thặng dư mậu dịch của quốc gia này với Ấn Độ là 24,2 tỷ USD.
Trong khi đó, hãng tin Sputnik (Nga) cho biết Mỹ và Trung Quốc đã cố gắng vượt qua các bất đồng xuất hiện từ quyết định của Tổng thống Trump trong tháng 6/2018 áp mức thuế 25% đối với hàng hóa trị giá 50 tỷ USD của Trung Quốc để điều chỉnh thâm hụt thương mại giữa hai bên.
Kể từ đó đến nay Mỹ và Trung Quốc đã nhiều lần tăng thuế đối với hàng hóa của nhau, khiến quan hệ song phương căng thẳng.