Chuyển hàng cứu trợ tại thị trấn Talbiseh, Homs (Syria) ngày 26/7. Ảnh: AFP/TTXVN |
Mỹ ngày 16/9 nhấn mạnh sẽ không thiết lập một ủy ban chung với Nga để phối hợp các cuộc tấn công nhằm vào phiến quân ở Syria cho đến khi viện trợ nhân đạo được chuyển đến thành phố Aleppo bị vây hãm và các khu vực khác.
Theo Người phát ngôn bộ Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đưa ra tuyên bố trên trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. Ông Kirby nêu rõ: "Ngoại trưởng (Kerry) đã làm rõ rằng Mỹ sẽ không thiết lập trung tâm hành động chung với Nga, trừ phi các điều khoản đã nhất trí trước đó về tiếp cận nhân đạo được đáp ứng". Trong cuộc điện đàm, ông Kerry đã lên án tình trạng liên tục trì hoãn công tác viện trợ nhân đạo, điều không thể chấp nhận. Ông đồng thời bày tỏ hy vọng Moskva sẽ gây ảnh hưởng đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad để cho phép các đoàn xe chở hàng nhân đạo của LHQ tới Aleppo cũng như những khu vực khác cần viện trợ.
Hôm 10/9, hai ngoại trưởng Nga, Mỹ đã nhất trí về một kế hoạch ngừng bắn tại Syria và thiết lập cơ sở cho tiến trình hòa bình tại quốc gia Trung Đông này. Ông Kerry cho biết nếu lệnh ngừng bắn mới duy trì được một tuần, Mỹ có thể sẽ phối hợp với Nga để tấn công các mục tiêu của tổ chức khủng bố Mặt trận Al-Nusra và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga cho biết nước này sẵn sàng gia hạn thỏa thuận ngừng bắn tại Syria thêm 72 giờ, dù trước đó khẳng định chỉ có Nga và quân đội chính phủ Syria thực hiện nghiêm túc thỏa thuận đạt được với Mỹ.
Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh dù đây là thỏa thuận song phương, tuy nhiên, phía Mỹ đã không thể sử dụng ảnh hưởng của mình để yêu cầu các nhóm phiến quân mà Washington gọi là "phe đối lập ôn hòa" chấp hành đầy đủ thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, Washington lại khẳng định lực lượng quân đội chính phủ Syria vẫn chưa rút khỏi một số vị trí chiến lược để mở đường cho đoàn xe của LHQ tới một số thành phố và thị trấn đang bị vây hãm để chuyển hàng cứu trợ cho người dân. Mỹ cũng nhấn mạnh rằng nếu việc này chưa được tiến hành thì kế hoạch phối hợp oanh kích các nhóm thánh chiến cực đoan giữa hai nước sẽ không được triển khai.
Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov cũng đã có cuộc điện đàm về việc thực hiện thỏa thuận ngừng bắn, cứu trợ nhân đạo và hợp tác chống khủng bố ở Syria. Hai bên nhất trí giao tranh tại thực địa đã giảm đáng kể và ủng hộ việc biến lệnh ngừng bắn này trở thành thường trực. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Lavrov cũng lưu ý Mỹ về một số nhóm phiến quân vi phạm lệnh ngừng bắn và kêu gọi Washington thực hiện cam kết phật biệt các nhóm đối lập ôn hòa với các nhóm khủng bố. Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hy vọng Moskva sử dụng ảnh hưởng để yêu cầu quân đội Syria mở đường cho đoàn xe LHQ chuyển hàng cứu trợ cho người dân tại các khu vực bị vây hãm, đặc biệt là thành phố Aleppo, Tây Bắc Syria. Bên cạnh đó, hai bên cũng nhất trí sẽ tiếp tục duy trì thảo luận về những vấn đề trên.
Còn tại thực địa ở Syria, Bộ Quốc phòng Nga thông báo lực lượng chính phủ Syria đã đưa binh sĩ và vũ khí trở lại Castello - tuyến đường huyết mạch đến thành phố Aleppo, do các nhóm đối lập mà Mỹ gọi là ôn hòa vẫn chưa rút theo thỏa thuận ngừng bắn Nga-Mỹ.
Việc các bên giao chiến tại Syria cáo buộc nhau không chấp hành thỏa thuận ngừng bắn đang khiến tình hình chiến sự ở quốc gia Trung Đông này trở nên phức tạp. Theo Bộ Quốc phòng Nga, phe đối lập Syria đã vi phạm lệnh ngừng bắn tới 144 lần. Trong khi đó, phe đối lập tố cáo máy bay không quân Syria vẫn tiến hành không kích ở hai tình Hama và Idlib cũng như nã pháo tại khu vực quanh thủ đô Damascus.
Liên quan tới cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, ngày 16/9, một nhóm nhỏ binh sĩ Mỹ đã có mặt tại thị trấn al-Rai, miền Bắc Syria gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hỗ trợ cho chiến dịch không kích IS tại đây. Tuy nhiên, nhóm này đã buộc phải rút khỏi thị trấn này do vấp phải sự phản đối của các tay súng thuộc phe đối lập Syria tại đây.