Lầu Năm Góc ngày 3/3 cho biết Mỹ sẽ ngừng tất các hợp tác quân sự với Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine, trong đó có các cuộc tập trận và thăm viếng cảng.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Hải quân John Kirby nói: "Chúng tôi kêu gọi Nga giảm leo thang căng thẳng cuộc khủng hoảng ở Ukraine và đề nghị lực lượng Nga ở Crưm (Crimea) quay trở về căn cứ của họ theo quy định trong các thỏa thuận đối với Hạm đội Biển Đen của Nga".
Thiếu tướng Hải quân John Kirby. |
Cùng ngày, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) cho biết ông Ban Ki-moon đã gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov để thảo luận về cuộc khủng hoảng đang tiếp diễn tại Ukraine bên lề hội nghị ở Geneva diễn ra cùng ngày.
TTK Ban Ki-moon đã thảo luận với ông Lavrov về tầm quan trọng của việc giảm căng thẳng thông qua đối thoại xây dựng và có ý nghĩa. TTK Ban Ki-moon nhấn mạnh cần phải tôn trọng và duy trì độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine.
Bộ trưởng Năng lượng và Than đá Ukraine Yuriy Prodan cho biết nước này đã sẵn sàng đảm bảo không làm gián đoạn việc cung cấp khí đốt từ Nga cho châu Âu bất chấp các căng thẳng chính trị đang diễn ra. |
TTK Ban Ki-moon cũng cho biết, trong cuộc trao đổi qua điện thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 1/3 ông đã thúc giục nhà lãnh đạo Nga giải quyết vấn đề thông qua "can dự mang tính xây dựng" với các nhà chức trách Ukraine. Điều quan trọng là hai bên phải "hạ nhiệt", kiềm chế không đưa ra những lời hùng biện và đối thoại với nhau.
Cùng ngày, Phó TTK LHQ Jan Eliasson cũng đã có mặt tại Ukraine để đánh giá về các diễn biến trên thực địa và báo cáo TTK để định hình các bước đi cần thiết của LHQ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ukraine. Phó TTK LHQ Jan Eliasson đã rời New York đêm 2/3 (giờ địa phương), sau cuộc họp khẩn cấp lần thứ hai của Hội đồng Bảo an LHQ ngày 1/2.
Trong khi đó, vào ngày 3/3, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định Nga đã vi phạm luật pháp quốc tế trong việc can thiệp quân sự vào Ukraine và cho hay Washington đã cảnh báo sẽ xem xét một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế, ngoại giao nhằm cô lập Moskva.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cùng ngày nhấn mạnh việc triển khai quân Mỹ tới Ukraine là vấn đề vẫn chưa được tính tới, song cho hay Tổng thống Obama đã không đối đầu được với người đồng cấp Nga Putin. Ông McCain lưu ý rằng không nên sử dụng các lực lượng của Mỹ nhằm làm thay đổi sân chơi khu vực, nơi các căng thẳng đã nhanh chóng phát triển trở thành một vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự toàn cầu.
Trong một diễn biến liên quan, hiện các ngoại trưởng EU đang muốn thiết lập một ủy ban gồm EU, OSCE và các bên xung đột để giải quyết vấn đề Ukraine. Còn Thủ tướng Canada Stephen Harper cảnh báo Nga có thể bị tước tư cách thành viên trong Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G-8) nếu không thay đổi chiều hướng diễn biến can thiệp vào Ukraine.
TN (Theo AFP/THX/Reuters)