Phát biểu với đài truyền hình công cộng KAN của Israel ngày 11/1, Đại sứ Mỹ tại nước này Tom Nides cho biết Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hiểu rằng lập trường của Chính quyền Biden ủng hộ việc duy trì “tầm nhìn về giải pháp hai nhà nước”.
Ông Nides nói thêm, Chính quyền Mỹ cũng phản đối việc "hợp pháp hóa các tiền đồn của [Israel] và mở rộng quy mô khu định cư" đối với các khu định cư trên khắp Bờ Tây bị chiếm đóng.
Bên cạnh đó, nhà ngoại giao Mỹ phủ nhận việc tẩy chay bất kỳ thành viên nào trong chính phủ mới của Israel trong bối cảnh có thông tin rằng Đại sứ Nides đã từ chối liên lạc với Bộ trưởng An ninh Quốc gia Israel Itamar Ben-Gvir về quan điểm cấp tiến của ông đối với người Palestine. "Chúng tôi sẽ làm việc với Chính phủ Israel, chính phủ được bầu cử dân chủ", ông Nides nói.
Tuần trước, chuyến thăm của ông Ben-Gvir tới Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, một điểm nóng ở Đông Jerusalem bị chiếm đóng, đã gây ra một cơn bão lên án từ các quốc gia trên thế giới, bao gồm Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Saudi Arabia, Qatar và Pakistan.
Đại sứ Nides thông báo Chính phủ của Thủ tướng Netanyahu tuyên bố sẽ giữ nguyên hiện trạng tại thánh địa Jerusalem.
Người Palestine cáo buộc Israel thực hiện các bước có hệ thống để "Do Thái hóa Đông Jerusalem, nơi có Al-Aqsa, và xóa bỏ bản sắc Arập và Hồi giáo của họ".
Đối với người Hồi giáo, Al-Aqsa đại diện cho địa điểm linh thiêng thứ ba trên thế giới. Về phần mình, người Do Thái gọi khu vực này là Núi Đền, nói rằng đây là địa điểm của hai ngôi đền Do Thái thời cổ đại.