Mỹ phát triển​ chủng virus corona mới nhằm đẩy nhanh tiến độ thử vaccine

Các nhà khoa học Mỹ đang phát triển một chủng mới của virus corona, có thể được dùng để tạo lây nhiễm chủ động ở các tình nguyện viên trong cái gọi là "human challenge" (HCT). 

Chú thích ảnh
Tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 do công ty sản xuất dược phẩm Moderna phát triển tại Detroit, bang Michigan, Mỹ ngày 5/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 14/8, Viện Các bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia Mỹ (NIAID) cho biết công trình nghiên cứu trên đang ở giai đoạn đầu và chính phủ đang ưu tiên việc chọn ngẫu nhiên các xét nghiệm lâm sàng của các "ứng cử viên" vaccine ngừa virus SARS-CoV-2. Một số vaccine đã bước vào giai đoạn cuối của giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, trong đó có vaccine của các công ty dược phẩm Moderna, Pfizer và AstraZeneca.

Tuy nhiên, NIAID cho biết các nhà khoa học "đã bắt đầu nghiên cứu tạo ra một chủng virus có thể được dùng vào việc phát triển mô hình HCT trên cơ thể người, nếu cần". 

Trong các thử nghiệm lâm sàng bình thường, cơ thể tình nguyện viên được tiếp nhận một loại thuốc hoặc một giả dược và được theo dõi sức khỏe trong nhiều tháng sau đó. Giai đoạn đầu thử nghiệm trên một nhóm nhỏ (khoảng 50 người) để đánh giá mức độ an toàn thực tế. Sau đó là giai đoạn hai thử nghiệm với hàng trăm người và cuối cùng là giai đoạn ba thử nghiệm ở quy mô hàng chục nghìn người. Giai đoạn cuối này rất tốn kém tiền bạc và thời gian và cần một mẫu đủ lớn và đa dạng về các yếu tố nhân khẩu học. Các nhà khoa học nghiên cứu cơ chế hoạt động của vaccine hoặc thuốc điều trị khi một người phơi nhiễm tự nhiên với virus.

Tuy nhiên, có một cách nhanh hơn để kiểm tra liệu một loại thuốc hay vaccine có hoạt động hiệu quả hay không là HCT - tức là chủ động đưa virus vào cơ thể tình nguyện viên, như đã thực hiện với các bệnh cúm, sốt rét, thương hàn, sốt xuất huyết và tả. Phương pháp này thường được tiến hành với một virus đang không lan truyền mạnh trong cộng đồng, hoặc trước đó đã có các phương pháp điều trị đã được kiểm chứng trước đó.

Tại Mỹ, có nhiều nhóm vận động như 1DaySooner ủng hộ các nghiên cứu HCT đối với bệnh COVID-19 nhằm giúp sớm có vaccine phòng bệnh, nhưng cách làm này vẫn gây tranh cãi vì không thể biết trước mức độ nghiêm trọng của bệnh và chưa hiểu hết các tác động của bệnh cũng như chưa có thuốc chữa. Ngoài ra, theo người đứng đầu Khoa Nghiên cứu thử nghiệm vaccine của Đại học George Washington, ông David Diemert, hiện ở Mỹ có diện lây nhiễm rộng trong cộng đồng nên không cần đến các thử nghiệm HCT.

NIAID cho biết sẽ có thể đưa ra quyết định về việc này vào cuối năm nay, khi các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối bắt đầu cho kết quả. Điều này sẽ giúp xác định liệu các thử nghiệm HCT có cần thiết, an toàn và phù hợp với chuẩn mực đạo đức hay không.

Trong một diễn biến khác, một nghiên cứu tại thị trấn Kupferzell, bang Baden - Wuerttemberg, miền Nam nước Đức, vốn là một điểm nóng COVID-19, cho thấy 7,7% người dân địa phương có kháng thể chống virus SARS-CoV-2.

Ngày 14/8, Viện Robert Koch (RKI), cơ quan chính phủ liên bang về phòng và kiểm soát dịch bệnh, cho biết gần 17% người phát hiện có kháng thể tích cực là những người không có triệu chứng bệnh điển hình, trong khi tất cả những người khác có ít nhất một triệu chứng như sốt, ho, khó thở. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Viện RKI Lars Schaade cho biết ngay cả khi giả định rằng người có kháng thể sẽ miễn dịch với virus và áp dụng điều này với tất cả mọi người ở Đức, cũng "không đủ để ngăn chặn làn sóng thứ hai" ở nước này. Hơn nữa, nghiên cứu cho thấy 28,2% người trưởng thành nhiễm virus nhưng cơ thể không tạo ra kháng thể, dù điều này không có nghĩa là họ không có miễn dịch.

Nếu xét theo giới tính, nghiên cứu cho thấy kháng thể được phát hiện ở nữ giới (8,7%) cao hơn nam giới (6,7%). Nghiên cứu trên cũng phát hiện rằng số ca nhiễm cao gấp 3,9 lần so với những con số thống kê chính thức tại Kupferzell, thị trấn có gần 6.000 dân.

Bích Liên (TTXVN)
Cách ly bắt buộc – Biện pháp duy nhất ngăn virus trỗi dậy trên thế giới
Cách ly bắt buộc – Biện pháp duy nhất ngăn virus trỗi dậy trên thế giới

Các ổ dịch bùng lên từ Australia tới Nhật Bản cho thấy thế giới vẫn chưa học được bài học ngay từ đầu đại dịch COVID-19: Để ngăn chặn virus lây lan, người có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng phải bị cách ly khỏi gia đình và cộng đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN