Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ Francis Ricciardone ngày 25/10 cho biết Washington rất quan ngại về thỏa thuận mua bán tên lửa giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, phát biểu tại một sự kiện gặp gỡ giới báo chí, Đại sứ Ricciardone nói ông hiểu rằng thỏa thuận này chỉ là “một quyết định mang tính thương mại” và nó thuộc về quyền chủ quyền của Ankara, nhưng Washington chia sẻ những quan ngại chung với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông cho biết giới chức Mỹ sẽ có các cuộc nói chuyện mang tính tôn trọng lẫn nhau với phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Hệ thống phòng thủ tên lửa DF-2000 mà Thổ Nhĩ Kỳ dự định đặt mua của Trung Quốc. Ảnh: Internet |
Trước đó, hồi tháng Chín vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO, thông báo có thể sẽ mua hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa FD-2000 trị giá 3,4 tỷ USD của Tập đoàn Xuất - nhập khẩu cơ khí chính xác Trung Quốc (CPMIEC). Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra. Trong cuộc mời thầu này có cả tập đoàn vũ khí lớn trên thế giới như Raytheon của Mỹ, Rosoboronexport của Nga và liên doanh Eurosam của Italy-Pháp. Thông báo này đã làm dấy lên quan ngại giữa các nước đồng minh phương Tây của Ankara, cho rằng có thể phá hỏng các hệ thống phòng không liên minh. Washington đã bắt đầu các cuộc đàm phán cấp chuyên gia với Ankara để đánh giá về ảnh hưởng tiềm tàng của hệ thống này. CPMIEC đang nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ.
Cùng ngày, tờ "Bugun" dẫn lời Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết Ankara sẽ xem xét việc mở thầu mới nếu không đạt được thỏa thuận với về hệ thống phòng thủ tên lửa. Tuy nhiên, ông Erdogan cũng nói rõ chỉ trong trường hợp Trung Quốc rút khỏi các cuộc thương lượng, mới có khả năng diễn ra các cuộc đàm phán với các đối tác khác. Tập đoàn Raytheon của Mỹ cho biết vẫn sẵn sàng bán hệ thống tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara thay đổi quyết định.
Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ là “sự hợp tác buôn bán vũ khí bình thường” và không nên chính trị hóa hoạt động cạnh tranh thương mại thông thường này.
Cả Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đều cho biết quyết định trên đơn thuần là dựa trên những yếu tố thương mại vì CPMIEC đã đưa ra những điều kiện có tính cạnh tranh cao nhất như sẽ sản xuất một phần tại Thổ Nhĩ Kỳ, hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ đạt được mục tiêu lâu dài trong việc phát triển ngành công nghiệp quốc phòng.
TTXVN/Tin tức