Theo trang Al Jazeera, Mỹ tuyên bố sẽ bổ nhiệm một đại sứ chung cho vùng Bắc Cực trong một kế hoạch phản ánh tầm quan trọng chiến lược và thương mại ngày càng tăng của khu vực khi băng đang co lại mở ra các tuyến đường biển mới và các nguồn tài nguyên dầu mỏ và khoáng sản rộng lớn.
Trong một tuyên bố vào ngày 26/8, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden đã lên kế hoạch nâng cao tầm quan trọng của khu vực trong nội các bằng cách đề cử một đại sứ chung cho khu vực Bắc Cực. Tuy nhiên tuyên bố không nói rõ ai sẽ nhận vị trí mới này.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Một khu vực Bắc Cực hòa bình, ổn định, thịnh vượng và hợp tác có tầm quan trọng chiến lược quan trọng đối với Mỹ”.
“Là một trong tám quốc gia Bắc Cực, Mỹ từ lâu đã cam kết bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích kinh tế của chúng tôi trong khu vực, chống lại biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững và đầu tư, đồng thời thúc đẩy hợp tác với các quốc gia Bắc Cực, đồng minh và các đối tác,” tuyên bố nêu.
Tám quốc gia Bắc Cực bao gồm Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Nga và Mỹ.
'Con đường Tơ lụa vùng Cực'
Chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine đã làm gia tăng lo ngại của phương Tây về tham vọng của Nga trên toàn thế giới.
Trong khi đó, Trung Quốc, nước tự cho mình là một quốc gia “cận Bắc Cực”, cũng có tham vọng trong khu vực và đã công khai ý định xây dựng “Con đường Tơ lụa vùng Cực” (Polar Silk Road). Bắc Kinh đã để mắt đến tài nguyên khoáng sản và các tuyến đường vận chuyển mới khi các tảng băng ở Bắc Cực co hẹp do nhiệt độ tăng.
Cùng ngày 26/8, một ngày sau chuyến thăm Bắc cực, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, Nga đã mở cửa trở lại hàng trăm địa điểm quân sự từ thời Liên Xô trong khu vực. Ông Stoltenberg cho rằng năng lực của Nga ở Bắc Cực đặt ra một thách thức chiến lược đối với liên minh 30 quốc gia này.
Ông Stoltenberg phát biểu trong một cuộc họp báo tại một căn cứ không quân ở Canada: “Vùng cực phía bắc có tầm quan trọng chiến lược đối với an ninh châu Âu-Đại Tây Dương”, đồng thời lưu ý rằng với việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập, bảy trong số tám quốc gia Bắc Cực sẽ là thành viên NATO.
Ông cảnh báo: “Con đường ngắn nhất tới Bắc Mỹ đối với tên lửa và máy bay ném bom của Nga sẽ là qua Bắc Cực. Điều này làm cho vai trò của NORAD trở nên quan trọng đối với Bắc Mỹ và vì thế với cả NATO”. (NORAD là Bộ Chỉ huy Phòng thủ không gian Bắc Mỹ)
Lãnh đạo NATO cũng bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc có thể tiếp cận Bắc Cực để vận chuyển và thăm dò tài nguyên, với kế hoạch xây dựng hạm đội tàu phá băng lớn nhất thế giới.
“Bắc Kinh và Moskva đã cam kết tăng cường hợp tác thiết thực ở Bắc Cực. Điều này tạo thành một phần của quan hệ đối tác chiến lược ngày càng sâu sắc, thách thức các giá trị và lợi ích của chúng tôi”, ông Stoltenberg nói.
Quan chức này cho rằng NATO phải đáp trả bằng việc gia tăng sự hiện diện ở vùng cực Bắc và đầu tư vào các năng lực mới.
Ông lưu ý rằng biến đổi khí hậu đặt ra "những thách thức an ninh" mới đòi hỏi phải suy nghĩ lại cơ bản về vị thế ở Bắc Cực của NATO. “Biến đổi khí hậu đang làm cho vùng cực Bắc trở nên quan trọng hơn vì băng đang tan và nơi này trở nên dễ tiếp cận hơn cho cả hoạt động kinh tế và quân sự”, Tổng thư ký NATO nói.