Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã sẵn sàng cung cấp cho Nga thông tin bí mật liên quan đến tính năng kỹ thuật của những vũ khí thuộc NMD mà Lầu Năm góc có kế hoạch bố trí tại châu Âu.
Báo "Thương gia" (Nga) số ra ngày 12/3 cho biết, Nga và Mỹ có thể quay trở lại bàn về kế hoạch của Lầu Năm góc nhằm bố trí Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) tại châu Âu trước khi Thủ tướng Vladimir Putin nhậm chức tổng thống mới vào đầu tháng 5 tới.
Bài báo khẳng định chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã sẵn sàng cung cấp cho Nga thông tin bí mật liên quan đến tính năng kỹ thuật của những vũ khí thuộc NMD mà Lầu Năm góc có kế hoạch bố trí tại châu Âu, trong đó có tên lửa đánh chặn SM-3, được coi là sức mạnh chủ yếu của NMD. Theo bài báo, Nhà Trắng cho rằng hành động thiện chí này của Mỹ có thể góp phần để Nga đồng ý hợp tác về NMD, hiện được đánh giá là vấn đề nhức nhối nhất trong quan hệ giữa Oasinhtơn và Mátxcơva.
Tên lửa đánh chặn SM-3, được coi là sức mạnh chủ yếu của NMD. Trong ảnh: Tên lửa SM-3 Block IA được phóng từ hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis ở phía tây Hawaii, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN |
Việc Mỹ chưa mất hết hy vọng có thể thoả thuận với Nga về khả năng hợp tác trong vấn đề NMD đã được Ngoại trưởng Hilary Clinton nêu rõ trong một tuyên bố hồi tuần trước tại Oasinhtơn. Theo bà Hilary, Mỹ muốn bàn vấn đề liên quan đến "lá chắn tên lửa" tại châu Âu với Nga, kể cả trong khuôn khổ Hội đồng NATO/Nga, nhằm loại trừ những nguy cơ đối với cả hai bên trong tương lai.
Trong khi đó, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về chính sách hạt nhân và các vấn đề NMD, ông Bradley Robert lại cam kết với các nghị sĩ Mỹ rằng Oasinhtơn không có ý định chia sẻ với Mátxcơva về công nghệ bí mật để tiêu diệt tên lửa đối phương, vì hành động này có thể tạo ra nguy cơ cho an ninh quốc gia của Mỹ. Theo ông, trong số những công nghệ bí mật này có sáng chế về sử dụng năng lượng động học để tiêu diệt tên lửa đối phương.
Trước đó, phía Nga từng tuyên bố cuộc đàm phán Nga/Mỹ về NMD ở châu Âu đã đi vào ngõ cụt do Oasinhtơn không chịu đưa ra đảm bảo pháp lý, rằng "lá chắn tên lửa" của Mỹ tại châu Âu không nhằm chống lại lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga.
TTXVN/Tin Tức