Mỹ siết chặt quy định tiêm vaccine phòng COVID-19

Trong bối cảnh 40 bang tại Mỹ ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 lên tới ngưỡng đỉnh, nước này đã siết chặt quy định tiêm vaccine phòng virus SARS-CoV-2.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ em tại Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đó, quy định của liên bang yêu cầu tất cả các cơ sở sản xuất hay doanh nghiệp có ít nhất 100 nhân viên phải tiêm vaccine chính thức có hiệu lực từ ngày 10/1 và những ai không muốn tiêm vaccine phải đưa ra kết quả xét nghiệm hàng tuần.

Theo số liệu của đại học Hopkins, trong tuần vừa qua, trung bình mỗi ngày nước Mỹ có 700.000 ca nhiễm mới và con số thực tế có thể còn cao hơn bởi nhiều người Mỹ chưa thể xét nghiệm do các điểm xét nghiệm đã quá tải. Số ca tử vong vì COVID-19 tại Mỹ trong tuần qua lên tới 1.600 ca, cao hơn 1.250 ca được ghi nhận vào tuần trước đó.

Khoảng 2/3 người dân sống tại Mỹ (63%) hiện đã tiêm vaccine, số ca nhiễm mới phải nhập viện vẫn tăng mạnh. Tại bang New York, 40 bệnh viện đã phải ngừng hoàn toàn các ca phẫu thuật không khẩn cấp do thiếu giường bệnh.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), tỷ lệ trẻ em dưới 4 tuổi, độ tuổi chưa thể tiêm vaccine, phải nhập viện hiện cao nhất kể từ khi đại dịch xảy ra đến nay, mặc dù Omicron được đánh giá là không nguy hiểm bằng các chủng xuất hiện trước đó. Hiện một số bang tại Mỹ như Massachusetts hay Illinois và Oregon đã phải mở lại các điểm tiêm chủng lớn và cho phép những người trong diện nguy cơ lây nhiễm cao tiêm mũi tăng cường thứ tư kể từ tuần này.

Trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp như hiện nay, quyết định của CDC Mỹ đưa ra ngày 27/12 về việc cho phép người dương tính với COVID-19 chỉ cần cách ly trong 5 ngày đã được tiếp xúc trở lại bình thường mà không cần phải có kết quả xét nghiệm âm tính đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt của giới chuyên gia. Về phần mình, Tiến sĩ Rochelle Walensky, giám đốc CDC, lý giải rằng bà đưa quyết định như vậy bởi cho rằng các xét nghiệm kháng thể rất khó phát hiện chủng Omicron mà đây lại là chủng đang lây nhiễm mạnh nhất hiện nay.

Tình trạng lây lan của chủng Omicron cộng với thời tiết xấu cũng  khiến các hãng hàng không Mỹ phải hủy khoảng 5.000 chuyến bay trong 3 ngày cuối tuần vừa qua và đây được coi là một cú sốc đối với ngành hàng không khi mà hy vọng phục hồi sau đại dịch mới chỉ vừa nhen nhóm cách đây không lâu.

Hiện những chuyên gia y tế đầu ngành của Mỹ đang kêu gọi nước Mỹ cần có một chiến lược mới để sống chung với COVID-19 lâu dài và một số trong các giải pháp được khuyến nghị vẫn là đảm bảo cho người dân có thể xét nghiệm dễ dàng, thường xuyên, tiếp tục tiêm chủng rộng rãi đồng thời nhanh chóng nghiên cứu và đưa vào ứng dụng các loại vaccines cũng như những phác đồ điều trị ngày càng ưu việt hơn.

Hải Vân - Quang Huy (TTXVN)
Chuyên gia Mỹ nhận định COVID-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu vào cuối năm 2022
Chuyên gia Mỹ nhận định COVID-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu vào cuối năm 2022

Tiến sĩ Ezekiel Emanuel, chuyên gia từng làm việc tại một ban cố vấn về dịch bệnh COVID-19 của Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã đưa ra nhận định nêu trên vào ngày 9/1, bất chấp việc Mỹ liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao trong thời gian gần đây. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN