Theo kênh CNN ngày 17/1, Mỹ đã sử dụng tên lửa Tomahawk phá hủy 14 bệ phóng tên lửa mà Houthi dùng để tấn công các tuyến đường vận tải biển quốc tế trên Biển Đỏ. Tên lửa Tomahawk được phóng từ các tàu mặt nước và tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường USS Florida của Hải quân Mỹ.
Đây là đợt tấn công mới nhất trong một loạt hành động của Mỹ nhằm đối phó với Houthi. Trước đó, dưới sự hỗ trợ của một số đồng minh, Mỹ và Anh đã không kích các mục tiêu quân sự của Houthi ở Yemen. Các đợt tấn công diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Trung Đông và lo ngại rằng cuộc chiến Israel - Hamas ở Gaza có thể lan rộng ra khu vực.
Vài giờ trước đó, lực lượng Houthi đã tấn công một tàu của Mỹ lần thứ hai trong tuần này. Theo Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ, Houthi đã sử dụng máy bay không người lái tấn công tàu M/V Genco Picardy ở Vịnh Aden. Trong một tuyên bố, Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ cho biết không có ai bị thương trên tàu thương mại này. Con tàu bị hư hỏng một số chỗ nhưng vẫn có thể tiếp tục hành trình.
Mỹ đang tìm cách tránh leo thang nghiêm trọng tình hình trong khu vực. Bất chấp thực tế Houthi tấn công tàu thuyền trên Biển Đỏ, các lực lượng của Mỹ cũng như liên minh thường xuyên bị tấn công ở Iraq và Syria, còn Israel và Hezbollah liên tục giao tranh ở biên giới Israel – Liban, nhưng ngày 17/1, Lầu Năm Góc vẫn khẳng định rằng xung đột Israel - Hamas chưa lan rộng.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Pat Ryder nói tại một cuộc họp báo: “Rõ ràng đang có căng thẳng ở Trung Đông. Đã có những căng thẳng ở đó kể từ khi xung đột Israel - Hamas bắt đầu… Nhưng chúng tôi hiện đánh giá rằng cuộc chiến giữa Israel và Hamas vẫn chỉ diễn ra ở Gaza”.
Mặc dù tuần trước Mỹ tuyên bố rằng các cuộc tấn công sẽ làm suy giảm khả năng của Houthi trong việc tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công vào tàu chở hàng thương mại ở Biển Đỏ, nhưng Houthi vẫn tiếp tục nhằm vào các tàu thuyền. Theo một quan chức Mỹ, nước này đã phá hủy khoẳng 1/3 năng lực tấn công tổng thể của Houthi.
Sau đợt không kích đầu tiên, Mỹ dự báo Houthi sẽ trả đũa ở một mức độ nào đó. Trong thực tế, ngày 15/1, lần đầu tiên một con tàu do Mỹ sở hữu và điều hành bị Houthi tấn công. Đó là tàu chở hàng M/V Gibraltar Eagle, bị trúng một tên lửa đạn đạo chống hạm. Đây được coi là cuộc tấn công thành công đầu tiên nhằm vào tài sản của Mỹ kể từ khi nhóm này tấn công các tuyến đường vận chuyển quốc tế vào giữa tháng 11/2023.
Ngày 16/1, lực lượng Houthi đã phóng một tên lửa đạn đạo chống hạm vào các tuyến đường vận chuyển quốc tế ở phía Nam Biển Đỏ, chỉ vài giờ sau khi Mỹ phóng 4 tên lửa chống hạm vào Houthi.
Đợt tấn công Houthi lần thứ tư cũng diễn ra cùng ngày Mỹ đưa nhóm này trở lại danh sách thực thể khủng bố toàn cầu được chỉ định đặc biệt (SDGT).
Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết: “Những cuộc tấn công này là ví dụ rõ ràng về khủng bố và vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời là mối đe dọa lớn đối với tính mạng, thương mại toàn cầu và gây nguy hiểm cho quá trình hỗ trợ nhân đạo”.
Phản ứng với quyết định trên, phát biểu với kênh truyền hình Al Jazeera ngày 17/1, người phát ngôn Houthi, ông Mohamed Abdelsalam nhấn mạnh lực lượng này sẽ không ngừng tấn công các tàu thuyền của Israel hoặc các tàu đang hướng tới các cảng ở Palestine để ủng hộ người dân Palestine.
Ông Abdelsalam cũng nói rằng lực lượng này sẽ đáp trả các cuộc tấn công mới của Mỹ hoặc Anh nhằm vào Yemen.
Cũng trong ngày 17/1, ông Abdul Rahman Al-Ahnumi, thành viên cơ quan truyền thông của Houthi đã nói với Reuters ở Saana rằng việc Mỹ quyết định đưa lực lượng này trở lại danh sách các thực thể khủng bố là nhằm hỗ trợ Israel tiếp tục cuộc chiến ở Dải Gaza.
Theo ông Al-Ahnumi, đây là nỗ lực ngăn cản Yemen ủng hộ Palestine và Gaza, nhưng quyết định của Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của Houthi trong việc ngăn chặn các tàu của Israel hoặc các tàu thuyền hướng tới Israel đi qua Biển Đỏ, Biển Arab và Eo biển Bab al-Mandab.