Theo hãng tin Bloomberg, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 15/1 (giờ địa phương) cho biết họ đã có thông tin mới cho thấy đại dịch COVID-19 có thể xuất phát từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc chứ không phải do tiếp xúc với động vật nhiễm virus. Đây là động thái mới nhất trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump nhằm gây áp lực với Bắc Kinh về vấn đề nguồn gốc của virus SARS-CoV-2, gây bệnh COVID-19.
Cụ thể, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ đã nắm được bằng chứng mới cho thấy các nhà nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán đã mắc bệnh vào mùa Thu năm 2019, trước khi phát hiện ca lây nhiễm đầu tiên ở cùng thành phố. Các nhà nghiên cứu này xuất hiện những triệu chứng phù hợp với triệu chứng của COVID-19 hoặc các bệnh theo mùa thông thường.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng sự thiếu minh bạch của Trung Quốc về nguồn gốc đại dịch trong hơn một năm qua, cũng như nỗ lực che giấu những thiếu sót ban đầu trong phản ứng của nước này với dịch bệnh, đã khiến khó đưa ra kết luận rõ ràng. Tuy nhiên, bản tuyên bố ngắn gọn, không có chữ ký, của Bộ Ngoại giao Mỹ lại không cung cấp dữ liệu nào để chứng minh cho các tuyên bố của họ.
Động thái trên diễn ra khi chỉ còn không đầy một tuần là nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump kết thúc.
“Virus có thể xuất hiện tự nhiên khi con người tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh, lây lan ra theo mô hình phù hợp với một dịch bệnh tự nhiên. Ngoài ra, một tai nạn trong phòng thí nghiệm có thể gây ra một ổ dịch tự nhiên nếu sự tiếp xúc ban đầu chỉ bao gồm một số cá nhân, cộng với hiện tượng nhiễm virus không có triệu chứng” – tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Cơ quan này không tiết lộ họ đã thu thập thông tin mới về nguồn gốc dịch bệnh từ phòng thí nghiệm như thế nào. Theo Bloomberg, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ đã từ chối yêu cầu bình luận thêm về tuyên bố trên.
Trong khi đó, Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc rằng virus SARS-CoV-2 có thể xuất hiện từ phòng thí nghiệm.
Bắc Kinh gần đây đối mặt với những chỉ trích vì ban đầu đã trì hoãn sứ mệnh của phái đoàn do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cử tới nước này để điều tra về nguồn gốc của SARS-CoV-2. Sau đó, nhóm điều tra, gồm các nhà khoa học do WHO chỉ định, đã được chấp nhận tới Trung Quốc và hiện đang tiếp tục hoàn tất thời gian cách ly 14 ngày theo quy định.
Giới chức Mỹ đã để ý chặt chẽ tình hình dịch bệnh ở Vũ Hán, Trung Quốc trong thời kỳ đầu. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Trump có xu hướng đổ lỗi nhiều hơn cho Bắc Kinh sau khi đại dịch bùng phát ở Mỹ, khiến nước này có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới. Ông Trump và Ngoại trưởng Pompeo thường gọi virus gây COVID-19 là “virus Trung Quốc” hay “virus Vũ Hán”.
Về phần mình, Trung Quốc cũng đang đưa ra những nghi ngờ về việc SARS-CoV-2 có thể không có nguồn gốc bên trong đường biên giới nước này. Các phương tiện truyền thông nhà nước đã dẫn một nghiên cứu cho thấy có những trường hợp ở Italy và Mỹ nhiễm virus từ trước khi phát hiện các ca nhiễm ở Vũ Hán. Họ ám chỉ rằng mầm bệnh có thể đã xâm nhập Trung Quốc qua thực phẩm đông lạnh hoặc bao bì thực phẩm.