Nguyên nhân Los Angeles cứ 6 phút có 1 người tử vong vì COVID

Tại hạt Los Angeles (bang California, Mỹ), trung bình cứ mỗi phút có 10 ca xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, và cứ mỗi 6 phút lại có một ca tử vong vì COVID-19.

Chú thích ảnh
Một giáo sĩ thực hiện nghi thức cầu nguyện cho bệnh nhân COVID-19 tại một trung tâm y tế ở Los Angeles. Ảnh: AP 

Theo NBC News, những con số kinh hoàng này được thống kê tại hạt đông dân nhất bang California, nơi đã ghi nhận gần 1 triệu ca bệnh kể từ khi đại dịch bùng phát.

Theo các quan chức y tế công cộng Los Angeles (L.A), trên 958.400 người dân trong hạt đã nhiễm virus và gần 13.000 người tử vong tính đến ngày 13/1. Trên khắp California, các con số thống kê cũng nghiêm trọng không kém. Tiểu bang này ghi nhận gần 2,8 triệu ca bệnh và trên 31.000 ca tử vong tính đến cùng ngày – theo NBC News. Một biến thể dễ lây nhiễm hơn của SARS-CoV-2 cũng đã được phát hiện trong khu vực.

Lúc này, các nhà dịch tễ học và giới chức L.A đối mặt với một câu hỏi không dễ chịu, khi cuộc khủng hoảng COVID-19 tại đây đang “di căn”: Vì sao L.A trở thành một trung tâm của đại dịch ở Mỹ?

Nhiều yếu tố bất lợi kết hợp 

“L.A là một hạt khá lớn và phức tạp, có nhiều yếu tố như mật độ dân đông, người dân nghèo, tỉ lệ lao động lĩnh vực thiết yếu lớn”, Tiến sĩ Kirsten Bibbins-Domingo, chuyên gia dịch tễ học tại Đại học California San Francisco, cho biết. "Những điều đó đã kết hợp vào cùng thời điểm trong đại dịch, nơi chúng ta còn chứng kiến tâm lý mệt mỏi và buông lỏng tuân thủ những quy định cơ bản mà một người phải làm như đeo khẩu trang”.

Chú thích ảnh
Dòng xe cộ chờ xét nghiệm COVID tại sân vận động Dodger, Los Angeles ngày 4/1/2021. Ảnh: AP 

Tâm lý mệt mỏi với một đại dịch kéo dài lại diễn ra khi thời tiết lạnh hơn, ngày mùa Đông ngắn hơn, khiến người dân có xu hướng lui vào các hoạt động trong không gian kín. Điều này kết hợp với hoạt động du lịch, tụ tập, lực lượng lao động thiết yếu lớn, nhiều người sống trong các khu nhà ở đông đúc, đã dẫn đến tình cảnh lây nhiễm nghiêm trọng hiện tại ở L.A.

“Los Angeles tồn tại  nhiều nhà ở nhỏ dành cho gia đình đông người. Thật khó để trở thành một người làm vườn thảnh thơi làm việc tại nhà”, Tiến sĩ George Rutherford, cũng là một nhà dịch tễ học tại Đại học California San Francisco, cho biết.

Giới chức y tế công cộng L.A đã liên tục cảnh báo rằng, vài tuần tới có thể là thời điểm tồi tệ nhất của đại dịch, khi làn sóng tăng vọt lây nhiễm hậu nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới tiếp tục.

Hôm 12/1, các quan chức y tế L.A đã ban hành hướng dẫn mới cho các lao động lĩnh vực thiết yếu và những người làm việc vặt, yêu cầu phải đeo khẩu trang trong nhà, để tránh lây nhiễm cho người thân.

Cuộc đối thoại đau lòng

“Một trong những cuộc đối thoại đau lòng mà các nhân viên chăm sóc sức khỏe của chúng tôi chia sẻ là khi bọn trẻ xin lỗi bố mẹ, ông bà vì chúng đã mang COVID về nhà, khiến họ mắc bệnh”, ông Hilda Solis, Chủ tịch Ủy ban Giám sát hạt Los Angeles, cho biết. “Những lời xin lỗi này có khi lại là những lời cuối cùng mà người thân của các em được nghe, khi họ qua đời trong cô đơn”.

Theo các quan chức y tế công cộng L.A, làn sóng bùng phát lây nhiễm gần đây bắt đầu từ tháng 11/2020, rất nhanh sau khi giới chức cho phép tụ họp riêng tư và các dịch vụ chăm sóc cá nhân được mở cửa lại.

Không đầy một tháng sau, L.A đã buộc phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế từng được thực hiện từ mùa Xuân 2020, bao gồm cấm ăn uống ngoài nhà, hạn chế số người được phép làm việc trong các dịch vụ thiết yếu, cấm các gia đình tụ họp cả trong và ngoài nhà. Một lệnh “bắt buộc ở nhà” sửa đổi được ban hành vào Lễ Tạ ơn, nhưng tới lúc đó thì các ca bệnh mới đã tăng không kiểm soát.

Đó cũng là cảnh tượng đang diễn ra trên khắp miền Nam California, nơi các bệnh viện vẫn quá tải bệnh nhân COVID-19. Theo Giám đốc Y tế công cộng L.A, Tiến sĩ Barbara Ferrer, hạt này ghi nhận mức tăng tới 1.000% số ca COVID kể từ 1/11/2020.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Los Angeles, Mỹ ngày 8/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tâm lý mệt mỏi

“Mọi người cần hiểu rằng, tỷ lệ lây nhiễm cộng đồng quá cao đến mức bạn có nguy cơ phơi nhiễm bất cứ khi nào rời nhà mình. Virus chết chóc vô hình này ở khắp mọi nơi, luôn tìm kiếm một vật chủ”, bà Barbara nói trong cuộc họp báo tuần trước. 

Tuy nhiên, sau gần một năm đại dịch, tâm lý mệt mỏi xuất hiện ở khắp nơi. Các chuyên gia nói rằng, những thông điệp hỗn độn từ các nhà lãnh đạo chỉ khiến tâm trạng mệt mỏi tệ hơn, bắt đầu từ việc chính phủ liên bang sớm hạ thấp mối nguy hiểm của virus, rồi tại các bang và thành phố xuất hiện nhiều quan điểm trái ngược về việc mở cửa lại hay tiếp tục đóng cửa.

Các chuyên gia cũng chỉ ra sự bối rối và thất vọng bắt nguồn từ việc lệnh bắt buộc ở nhà được ban hành sớm khi California có số ca nhiễm tương đối thấp. Không giống như New York City, nơi chỉ đóng cửa thành phố khi số ca bệnh đã tăng vọt, Los Angeles đóng cửa sớm để phòng ngừa trước khi chứng kiến làn sóng gia tăng ca nhiễm.

Điều này khiến nhiều cư dân và giới chức địa phương đặt câu hỏi về tính hiệu quả của các biện pháp hạn chế. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm phòng cho người cao tuổi tại Los Angeles. Ảnh: Getty Images

“Bạn phải nghĩ đến yếu tố tâm lý đằng sau điều đó. Khi chứng kiến sự tàn phá mà New York trải qua, rất dễ thực hiện các chiến lược sức khỏe cứng rắn. Nhưng khó thực hiện như vậy hơn nhiều sau 10 tháng, khi mọi người đã quá mệt mỏi” - chuyên gia dịch tễ học Bibbins-Domingo giải thích.

Bất chấp số ca tử vong tăng cao, nhiều người biểu tình vẫn đổ xuống đường phố trong tháng này, tuần hành qua các cửa hiệu tạp hóa, trung tâm mua sắm, kêu gọi tái mở cửa nền kinh tế California và hô hào người dân chống lại yêu cầu đeo khẩu trang của tiểu bang.

Một số chủ doanh nghiệp nhỏ phản đối lệnh bắt buộc ở nhà. Một số nhà hàng ở San Diego và Los Angeles thậm chí công khai mở cửa.

Bà Bibbins-Domingo cho biết, có lẽ rào cản lớn nhất trong nỗ lực giảm tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 là thuyết phục người dân rằng hành động của họ có thể cứu sống nhiều sinh mạng. “Nếu chúng ta không thể chấp nhận và hiểu rằng số phận của chúng ta gắn liền với nhau như thế nào, chúng ta sẽ không thể trở lại bình thường”, bà nói.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Brazil điều hẳn một máy bay đến Ấn Độ vì vaccine COVID-19
Brazil điều hẳn một máy bay đến Ấn Độ vì vaccine COVID-19

Brazil ngày 15/1 cử một phi cơ đến Ấn Độ để xúc tiến thủ tục liên quan đến vaccine phòng COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN