Cụ thể, thâm hụt thương mại của Mỹ tăng 1,3% lên 54 tỷ USD được điều chỉnh theo mùa, cao hơn so với dự đoán của giới phân tích, do kim ngạch nhập khẩu tăng cao kỷ lục từ trước tới nay, lên 266,6 tỷ USD khi kim ngạch xuất khẩu tăng lên 212,6 tỷ USD. Trong năm nay, thâm hụt thương mại của Mỹ với các nước đã tăng mạnh 10,1%.
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc trong tháng 9/2018 tăng cao nhất trong lịch sử do xuất khẩu đậu tương, mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Mỹ, tiếp tục hứng chịu những tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Kim ngạch xuất khẩu đậu tương của Mỹ trong tháng 9/2018 giảm 29% xuống còn 1,79 tỷ USD.
Thâm hụt hàng hóa của Mỹ với Trung Quốc trong tháng 9/2018 tăng 3 tỷ USD lên 37,4 tỷ USD (số liệu điều chỉnh theo mùa). Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc của Mỹ tăng 3,5 tỷ USD so với tháng 8/2018 lên mức kỷ lục 47,7 tỷ USD (số liệu điều chỉnh theo mùa).
Nhờ lương tăng và tỷ lệ thất nghiệp thấp, người Mỹ chi mạnh tay vào thiết bị viễn thông do nước ngoài sản xuất, máy tính, điện thoại di động, động cơ máy bay, quần áo và đồ chơi.
Trong vài tháng trở lại đây, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung liên tục leo thang cùng với các gói áp thuế nhập khẩu trả đũa lẫn nhau, trong đó Mỹ là bên khởi xướng nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại với Trung Quốc và điều chỉnh những hoạt động thương mại mà Mỹ cho là không công bằng. Hiện dư luận đang kỳ vọng cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình vào cuối tháng này tại Argentina có thể là cơ hội để hai nước tìm kiếm được giải pháp cho tình hình căng thẳng thương mại song phương đang leo thang.