Mỹ, Thổ sẵn sàng cho giải pháp quân sự tại Syria

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 23/1 tuyên bố nước này và Thổ Nhĩ Kỳ đã sẵn sàng cho một giải pháp quân sự tại Syria nếu tiến trình hòa giải chính trị là bất khả thi.

Cảnh đổ nát sau các cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ và phiến quân tại thành phố Aleppo, miền nam Syria ngày 16/1. Ảnh: AFP/TTXVN

Trả lời họp báo sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tại thủ đô Istabul, Phó Tổng thống Biden nhấn mạnh hai nước nhất trí rằng việc đạt được một giải pháp chính trị là con đường tốt nhất (đối với Syria), tuy nhiên vẫn để ngỏ khả năng về một giải pháp quân sự cho chiến dịch đẩy lùi tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. 

Ngoài ra, ông Biden khẳng định Washington coi Đảng Công nhân Người Kurd (PKK) tại Thổ Nhĩ Kỳ là "một tổ chức khủng bố và là mối đe dọa" đối với Ankara tương tự như IS, nhất trí rằng Ankara cần nỗ lực để bảo vệ người dân.

Về phần mình, Thủ tướng Davutoglu cho rằng chỉ có phe đối lập hợp pháp của Syria mới được phép tham gia đàm phán về Syria. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời tái khẳng định quân đội nước này có mặt tại Iraq để đánh đuổi IS, và Ankara tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia láng giềng.

Trong một diễn biến liên quan, phát biểu với báo giới cùng ngày sau cuộc hội đàm với các nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) tại Saudi Arabia, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bày tỏ sự tin tưởng rằng vòng đàm phán hòa bình Syria sẽ được tiến hành như dự kiến. 

Ông nói: "Chúng tôi tin rằng với sáng kiến tốt trong một hoặc vài ngày tới, các cuộc đàm phán có thể diễn ra và Đặc phái viên Liên hợp quốc Staffan De Mistura sẽ triệu tập các bên cho cuộc đàm phán gián tiếp. Đó sẽ là cuộc họp đầu tiên tại Geneva".

Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đang hối thúc các nước thuộc nhóm Hỗ trợ Quốc tế cho Syria (ISSG) nhanh chóng chốt danh sách thành phần phe đối lập tham gia đàm phán với chính quyền Syria. 

Các quan chức LHQ cho biết họ vẫn mong muốn thời điểm bắt đầu đàm phán vào ngày 25/1 như kế hoạch đã định song không thể gửi giấy mời cho đến khi các nước chủ chốt nhất trí về danh sách các tổ chức đối lập ở Syria. Họ cũng đề cập đến khả năng có sự trì hoãn.

Cuộc xung đột tại Syria đã kéo dài hơn 4 năm và làm hơn 250.000 người thiệt mạng, đồng thời đang gây ra cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ ở châu Âu.

TTXVN/Tin Tức
Quân đội Syria chuyển sang nắm quyền chủ động trên chiến trường
Quân đội Syria chuyển sang nắm quyền chủ động trên chiến trường

Quân đội Chính phủ Syria đã chuyển sang nắm quyền chủ động tại phần lớn các mặt trận ở nước này, khiến nhiều tay súng khủng bố hoảng loạn đào ngũ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN