Bà Yellen thừa nhận một lệnh trừng phạt như vậy sẽ gây ra “tác hại nhiều hơn là ích lợi”. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ, châu Âu cần giảm mức độ phụ thuộc vào dầu mỏ, khí đốt Nga, nhưng cần phải rất cẩn trọng khi nghĩ tới một lệnh cấm vận toàn diện, cụ thể là trừng phạt dầu mỏ Nga.
Bộ trưởng Yellen cũng cho rằng một lệnh cấm vận như vậy của EU sẽ làm giá dầu thô trên thị trường leo thang, nhưng tác động đối với Nga có thể sẽ thực sự không lớn như mong đợi của Mỹ và EU. Lý do là bởi lượng dầu xuất khẩu của Nga có thể giảm, nhưng mức giá cao sẽ bù vào, khiến nguồn thu của Nga ít bị ảnh hưởng.
Châu Âu đang chịu sức ép lớn về ngừng nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt từ Nga - một hành động sẽ làm giảm nguồn thu ngoại tệ với Moskva, nhưng cũng sẽ gây ra tác động tiêu cực đối với EU, khu vực vốn đang gặp khó về tìm kiếm nguồn cung năng lượng.
Tập đoàn tài chính JP Morgan hồi đầu tuần này cảnh báo một lệnh trừng phạt toàn diện và tức thời của EU đối với nguồn cung năng lượng từ Nga sẽ khiến thị trường dầu mỏ toàn cầu hụt đi 4 triệu thùng/dầu ngày, đẩy giá dầu thô lên mức 185 USD/thùng.
EU và Ủy ban châu Âu (EC) đã mở các cuộc thảo luận về trừng phạt dầu thô nhập khẩu từ Nga. Nhưng hiện vẫn còn chia rẽ trong nội bộ khối, khi nhiều nước – đi đầu là Đức - kịch liệt phản đối áp dụng tức thời biện pháp này, do Berlin phụ thuộc lớn vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Giới chức châu Âu gần đây thừa nhận ngay cả trong trường hợp tất cả thành viên EU đồng ý áp trừng phạt, sẽ mất nhiều tháng để hoàn tất dự thảo và làm công tác chuẩn bị.