Theo đài CNN, Mỹ đã đưa một đề xuất, lần đầu tiên được mô tả chi tiết dựa trên một cơ sở pháp lý mới, cho phép tịch thu số tài sản trị giá gần 300 tỷ USD của ngân hàng trung ương Nga đã bị đóng băng ở phương Tây và chuyển cho Ukraine.
“Nhà Trắng và chính phủ Mỹ tin rằng Nga sẽ phải gánh chịu trách nhiệm bồi thường cho tất cả những thiệt hại và sự tàn phá mà họ đã gây ra ở Ukraine”, đài CNN dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ.
Tuy nhiên, các quan chức này cho biết động thái hiếm hoi này sẽ cần có sự tham gia từ các đồng minh của Mỹ trong Nhóm G7 để có tác động thực sự. Các quan chức giải thích phần lớn tài sản của ngân hàng trung ương Nga bị G7 và Liên minh châu Âu đóng băng đều do EU nắm giữ. Khoảng 260 tỷ euro (285 tỷ USD) tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga đã bị phong tỏa ở các nước G7, EU và Australia vào năm ngoái. Khoảng 210 tỷ euro (230 tỷ USD) dự trữ của Nga được giữ ở EU, bao gồm 191 tỷ euro ở Bỉ và 19 tỷ euro ở Pháp. Thụy Sĩ nắm giữ khoảng 7,8 tỷ euro, tiếp theo là Mỹ với 5 tỷ USD.
Đề xuất trên cũng sẽ yêu cầu Quốc hội thông qua một dự luật được đưa ra vào năm ngoái, được gọi là Đạo luật REPO, cho phép tổng thống có thẩm quyền tiến hành tịch thu tài sản của Nga ở Mỹ.
Các quan chức cấp cao của Tổng thống Biden đã làm việc với các đồng minh G7 – bao gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh - và EU để tinh chỉnh đề xuất.
Bản đề xuất này đã trở nên đáng chú ý khi Quốc hội tiếp tục từ chối yêu cầu của Nhà Trắng về khoản viện trợ hàng tỷ USD bổ sung cho Ukraine. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ nhấn mạnh sáng kiến này không thể thay thế cho khoản tiền 61 tỷ USD mà Ukraine đang rất cần hiện nay.
Các quan chức cho biết đề xuất sẽ tiếp tục được tăng cường thảo luận trước ngày 22/2 – đánh dấu tròn 2 năm xung đột Nga-Ukraine. Một quan chức Mỹ tiết lộ đề xuất của Mỹ đã được thảo luận giữa các lãnh đạo cấp cao tại các cuộc họp của G7 vào tháng 11 và tháng 12 và dự kiến được xem xét lại tại cuộc họp G7 tiếp theo vào cuối tháng 2. Một số đồng minh G7, trong đó có Đức, đã tỏ ra khá do dự trước đề xuất này.
Trả lời tờ Financial Times, một quan chức châu Âu nói rằng EU có nhiều thứ để mất hơn bởi vì, không giống như Mỹ, EU nắm giữ phần lớn tài sản của Nga. Việc tịch thu khối tài sản dự trữ của Nga sẽ vượt quá giới hạn khi các quốc gia như Trung Quốc hoặc Saudi Arabia thấy rằng tài sản có chủ quyền nắm giữ bằng tiền tệ phương Tây có thể không an toàn. Dự trữ ngoại hối của Bắc Kinh được ước tính vượt quá 3.000 tỷ USD và Riyadh có hơn 410 tỷ USD.
Để trấn an các đồng minh, Mỹ đã nhấn mạnh rằng việc tịch thu tài sản sẽ được thực hiện dựa trên một cơ sở pháp lý rất cụ thể và không có nguy cơ gây hoảng sợ cho các tổ chức tài chính có tài sản được nắm giữ ở nước ngoài. Mỹ cũng lập luận vì chiến dịch quân sự của Nga đã làm đảo lộn trật tự quốc tế nên họ có quyền thực hiện các biện pháp đối phó như vậy ngay cả khi họ không trực tiếp gây chiến với Nga.
Trong một diễn biến liên quan, các nghị sĩ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tại Hạ viện và Thượng viện đang làm việc với Nhà Trắng để điều chỉnh và hoàn thiện các điều khoản của Đạo luật REPO. Đạo luật này đã được một nhóm nhà lập pháp lưỡng đảng bao gồm Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Jim Risch, thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, và Thượng nghị sĩ đảng dân chủ Sheldon Whitehouse đưa ra hồi tháng 6/2023.
Dự luật quy định tổng thống có thể tịch thu bất kỳ tài sản thuộc chủ quyền nào của Nga ở Mỹ và việc tịch thu này sẽ không phải chịu sự xem xét tư pháp, nghĩa là chủ sở hữu của tài sản bị tịch thu tài sản không thể khởi tiện tại tòa án nếu thực tế bị như vậy.
Trước nguy cơ bị tịch thu tài sản, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin cho biết việc G7 tịch thu tài sản của Nga sẽ là “bất hợp pháp” và sẽ tạo cho Moskva “cơ sở đạo đức và pháp lý” để trả đũa tài sản của G7, vốn “nhiều hơn số tiền bị đóng băng của Nga”.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng nói rằng động thái như vậy “vi phạm tất cả các quy tắc hiện có”, đồng thời lưu ý rằng những người quyết định tịch thu tài sản dự trữ của Nga sẽ phải đối mặt với những hậu quả pháp lý và tư pháp “nghiêm trọng”.