Thông tin trên được một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Bắc Kinh đưa ra ngay trước khi Mỹ và Philippines tập trận chung lớn nhất từ trước đến nay vào ngày 28/3.
Theo các nhà phân tích, mục đích lớn đằng sau việc Lầu Năm Góc tổ chức tập trận rộng rãi với chiến thuật mới chính là muốn kiềm chế Trung Quốc trước tình hình phải đối mặt với sự phát triển nhanh chóng của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Quân đội Mỹ lo ngại rằng các công cụ chiến tranh truyền thống của mình đang trở nên lỗi thời khi đối mặt với PLA.
Ngày 27/3, Tổ chức Sáng kiến Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) cho biết dựa trên những dữ liệu công khai, quân đội Mỹ đã tiến hành 95 cuộc tập trận ở khu vực trong và gần Biển Đông năm 2021 và con số thực tế có thể vượt quá 100.
Trong số 95 cuộc tập trận, 14 sự kiện là của riêng Quân đội Mỹ. Các lực lượng Hải quân, Không quân, Thủy quân lục chiến, Lục quân và Cảnh sát biển đã rèn luyện nhiệm vụ chống hạm, chống tàu ngầm, chống mìn trên biển, đổ bộ, chiến tranh không gian mạng…
81 sự kiện quân sự còn lại là tập trận chung với các nước khác, trong đó có những quốc gia nằm dọc theo bờ biển của Biển Đông, cũng như các nước bên ngoài khu vực bao như Nhật Bản, Anh, Australia, Ấn Độ, Pháp và Canada. SCSPI lưu ý tần suất và quy mô các cuộc tập trận của Mỹ trong năm 2021 đã đạt mức cao mới.
Năm ngoái, Quân đội Mỹ liên tục điều động các nhóm chiến lược đến Biển Đông, gồm 4 nhóm tàu tác chiến sân bay, 2 nhóm tàu đổ bộ, 11 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và thực hiện 22 lần xuất kích máy bay ném bom. Các lực lượng này đã thực hiện ít nhất 1.200 sứ mệnh trinh sát trên không bằng máy bay do thám cỡ lớn cũng như các sứ mệnh khảo sát và giám sát hàng hải kéo dài 419 ngày tới Biển Đông.
Mỹ cũng đang cố gắng thử nghiệm một số khái niệm chiến tranh mới như chiến dịch đa lãnh thổ, chiến dịch hàng hải phân tán và chiến dịch ven biển trong khu vực tranh chấp. Bởi lẽ, SCSPI trích dẫn các tài liệu của Mỹ về Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cho hay Lầu Năm Góc đã thừa nhận rằng Trung Quốc có lợi thế trên không và trên biển.
Lý do Quân đội Mỹ phát triển các khái niệm chiến tranh mới dựa trên thực tiễn rằng tất cả các căn cứ quân sự đã thành lập của Mỹ, trong đó có cả căn cứ quân sự ở Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như các tàu sân bay, đều không còn an toàn trước tiềm lực quân sự của Trung Quốc. Ông Song Zhongping, chuyên gia quân sự Trung Quốc, nhận định với tờ Global Times rằng vì lẽ đó, Washington muốn xây dựng thêm căn cứ và biến chúng trở nên cơ động hơn.
Quân đội Mỹ đang lo lắng khi chứng kiến khả năng chiến đấu của PLA ngày càng tăng lên, làm thu hẹp khoảng cách về tiềm lực quân sự giữa hai cường quốc này. Vì vậy, Mỹ không chỉ hướng đến việc phát triển một thế hệ vũ khí và thiết bị mới, mà còn tạo ra các chiến thuật và cách thức mới để tham chiến.
Mỹ đang đặt mục tiêu phát triển hàng loạt công nghệ mới, chẳng hạn vũ khí siêu vượt âm, công nghệ chống tên lửa đạn đạo, hệ thống tấn công chính xác và phòng thủ tên lửa, hệ thống tác chiến hàng hải mới, vũ khí năng lượng chỉ đạo, tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và tàu khu trục.
Báo cáo của SCSPI được công bố một ngày trước khi cuộc tập trận Balikatan thường niên giữa Mỹ và Philippines dự kiến bắt đầu từ ngày 28/3 và kéo dài dến ngày 8/4. Báo chí cho biết cuộc tập trận Balikatan năm nay sẽ là sự kiện quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với khoảng 5.100 quân nhân Mỹ và 3.800 quân nhân Philippines tham gia.
Thiếu tướng Jay Bargeron, Chỉ huy Sư đoàn 3 Thủy quân Lục chiến Mỹ, nói: “Hai bên sẽ cùng nhau tập huấn để mở rộng và nâng cao các kỹ năng chiến thuật và quy trình chung nhằm tăng cường khả năng ứng phó trước những thử thách thực tế... Tình bạn và sự tin tưởng giữa các lực lượng của chúng tôi sẽ cho phép chúng tôi hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ nào trên nhiều phạm vi hoạt động quân sự.
Balikatan 2022 diễn ra trùng với kỷ niệm 75 năm hợp tác an ninh Mỹ-Philippines và cùng cam kết thúc đẩy hòa bình.