Kênh CNN (Mỹ) đưa tin trong khuôn khổ cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, Bộ Tư pháp Mỹ đã buộc tội 12 công dân Nga đột nhập mạng lưới máy tính và email của đảng Dân chủ Mỹ trong thời gian diễn ra chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng năm 2016 để xoay chuyển tình thế có lợi cho ứng viên đảng Cộng hòa là Tổng thống đương nhiệm Donald Trump.
Tất cả 12 công dân Nga nằm trong danh sách của Bộ Tư pháp Mỹ đều được cho là thành viên của Cơ quan tình báo quân sự Nga (GRU).
Danh sách của Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội 12 công dân Nga. Ảnh: Reuters |
Tuyên bố của Bộ Tư pháp Mỹ ngày 13/7 được đưa ra đúng thời điểm Tổng thống Donald Trump gặp gỡ Nữ hoàng Anh Elizabeth II, và nhất là khi Tổng thống Trump sắp gặp gỡ người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Helsinki (Phần Lan) ngày 16/7.
Cùng ngày 13/7, khi thông tin liên quan tới quyết định buộc tội 12 công dân Nga được phổ biến, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders đã lên tiếng khẳng định Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ sẽ không bị hủy bỏ.
Trong khi đó, một số nghị sĩ đã đề xuất Tổng thống Trump nên ngừng cuộc họp với nhà lãnh đạo Nga Putin. Đơn cử như lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer đánh giá: “Việc Tổng thống Trump bắt tay với người đồng cấp Putin ở thời điểm có cáo buộc liên quan tới 12 công dân Nga là xúc phạm đến nền dân chủ của chúng ta”.
Do vậy, trong cuộc gặp với Tổng thống Putin vào ngày 16/7, có ý kiến cho rằng ông Trump cần lên tiếng đề nghị dẫn độ 12 công dân Nga nằm trong danh sách buộc tội của Bộ Tư pháp Mỹ để tiến hành xét xử. Tờ Guardian (Anh) cho biết Tổng thống Putin chắc chắn sẽ bác bỏ cáo cuộc của Mỹ.
Trong trường hợp Tổng thống Trump không đề cập tới tuyên bố của Bộ Tư pháp Mỹ ngày 13/7 với người đồng cấp Putin khi hai nhà lãnh đạo gặp song phương, một bộ phận công chúng Mỹ sẽ đánh giá rằng ông chủ Nhà Trắng không thể bảo vệ được lợi ích của Mỹ.
Tuy nhiên, nếu Tổng thống Trump thực sự bàn luận về việc dẫn độ 12 công dân Nga trong cuộc họp ngày 16/7 thì điều này đồng nghĩa với việc ông thừa nhận cuộc điều tra của Ctố viên đặc biệt Mueller không phải là “săn phù thủy” như ông từng nhận xét.
Tổng thống Trump dự kiến gặp người đồng cấp Putin trong ngày 16/7 tại Phần Lan. Ảnh: AFP |
Có khả năng cao Tổng thống Trump sẽ tiếp tục bác bỏ cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein ngày 13/7 cũng thừa nhận ông đã báo cho Tổng thống Trump về việc buộc tội 12 công dân Nga từ trước đó vài ngày và ông Trump dường như đã phớt lờ điều này.
Ngày 14/7, Tổng thống Trump đăng trên mạng xã hội Twitter phản ứng: “Thông tin ngày hôm qua về 12 công dân Nga xảy ra trong thời kỳ chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama. Tại sao họ không có động thái nào, đặc biệt là khi FBI vào tháng 9/2016 đã báo cáo với ông Obama về nghi ngờ này, trước cả khi cuộc bầu cử Tổng thống được tổ chức?”.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Nga thẳng thắn cho rằng mục đích của cáo buộc từ Bộ Tư pháp Mỹ là nhằm “gây tổn hại tới bầu không khí tích cực” trước thềm Hội nghị thượng đỉnh tại Phần Lan. Bộ Ngoại giao Nga còn đánh giá những cáo buộc của Bộ Tư pháp Mỹ là hoàn toàn không có cơ sở.
Cáo buộc của Bộ Tư pháp Mỹ còn dấy lên băn khoăn bằng cách nào Washington nắm trong tay danh tính và quân hàm của 12 điệp viên Nga mà họ cho rằng đang công tác tại GRU này. Do vậy, có nghi ngờ cho rằng chính tình báo Mỹ đã tiến hành những biện pháp can thiệp riêng.
Thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ trong ngày 13/7 và phản ứng của Tổng thống Trump trong Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ được đánh giá sẽ tác động khá nhiều tới người dân Mỹ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới. Nêu đảng Cộng hòa không có giải thích rõ ràng và hợp lý thì họ có thể đánh mất một phần cử tri trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tổ chức tháng 11 tới.
Kể từ khi cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 của Cố vấn đặc biệt Mueller được khởi động, đã có 32 cá nhân bị buộc tội. Trong đó có cựu cố vấn chính sách đối ngoại chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump- ông George Papadopoulos, cựu Cố vấn Anh ninh Quốc gia Mỹ Michael Flynn…