Dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ, báo trên cho biết các nhà đàm phán mong muốn một lễ ký thỏa thuận sẽ được tổ chức vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới. Theo lịch trình dự kiến này, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ tới Bắc Kinh để tham gia vòng đàm phán trực tiếp mới, có thể bắt đầu từ ngày 29/4 tới.
Tham gia phái đoàn tới Trung Quốc còn có Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dự kiến sẽ dẫn đầu phái đoàn đàm phán tới Washington trong tuần lễ bắt đầu từ ngày 6/5 tới.
Cùng ngày, hãng tin CNBC đưa tin Trung Quốc đang thăm dò lịch công tác nước ngoài của Tổng thống Mỹ Donald Trump để có thể lên kế hoạch tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Tập Cận Bình bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ. Theo CNBC, Trung Quốc coi dịp Tổng thống Trump thăm Nhật Bản vào cuối tháng 5 tới có thể là thời điểm thích hợp để tổ chức cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Hiện văn phòng của Đại diện Thương mại Lighthizer vẫn chưa đưa ra bình luận về thông tin trên. Tuy nhiên, trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Trump tiếp tục phát tín hiệu về triển vọng thành công của các cuộc đàm phán thương mại hiện nay giữa nước này với Trung Quốc.
Trao đổi với báo giới tại Nhà Trắng ngày 17/4, Tổng thống Trump chia sẻ các cuộc đàm phán thương mại "đang diễn ra khá tốt đẹp" và "Tôi cảm giác chúng ta sẽ thành công". Ông đồng thời để ngỏ khả năng một tuyên bố về kết quả của tiến trình đàm phán sẽ sớm được đưa ra.
Trước đó, ngày 5/4 vừa qua, các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc vòng đàm phán mới nhất sau 3 ngày làm việc tại thủ đô Washington, song không đạt được một thỏa thuận cụ thể.
Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc đàm phán, Nhà Trắng cho biết "vẫn còn những việc quan trọng" cần thương lượng và giới chức hữu quan cũng như các thành viên phái đoàn đàm phán hai bên sẽ tiếp tục liên hệ với nhau để giải quyết những vấn đề tồn đọng. Trong khi đó, Tổng thống Trump tuyên bố các cuộc đàm phán dự kiến kéo dài thêm một tháng.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bùng phát từ giữa năm 2018, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã liên tiếp trả đũa nhau bằng các mức thuế mới. Đến nay, tổng giá trị hàng hóa bị đánh thuế cao hơn của hai bên đã lên tới hơn 360 tỷ USD.
Chính quyền Tổng thống Trump muốn duy trì các mức thuế bổ sung đang áp với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi Bắc Kinh thực thi các cam kết một cách đều đặn, trong khi Trung Quốc kêu gọi Mỹ dỡ bỏ lập tức các mức thuế bổ sung trên sau khi một thỏa thuận thương mại song phương được ký.
Đến nay, phía Trung Quốc đã đưa ra nhiều nhượng bộ với Washington, trong đó cam kết tăng mua hàng hóa của Mỹ như đậu nành để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Một nguồn tin cho biết Bắc Kinh rất khó có thể nhượng bộ thêm.