Bà Young đã yêu cầu cơ quan chính phủ làm việc với các nhà cung cấp nhằm đảm bảo an toàn cho dữ liệu của Mỹ bằng cách gỡ bỏ ứng dụng TikTok trên các thiết bị và hệ thống phục vụ công việc.
Tương tự, cùng ngày, Chính phủ Canada đã tuyên bố cấm tải phần mềm mạng xã hội TikTok của Trung Quốc vào các thiết bị do chính phủ quản lý và lệnh này có hiệu lực từ ngày 28/2.
Theo tờ National Post, quyết định trên được đưa ra nhằm đảm bảo an ninh thông tin của chính phủ sau một đánh giá nội bộ cho thấy các phương pháp thu thập dữ liệu của TikTok có thể khiến người dùng dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công mạng. Các cơ quan quản lý quyền riêng tư cấp tỉnh bang và liên bang của Canada cũng đang phối hợp điều tra ứng dụng trước những lo ngại về việc thu thập, sử dụng và tiết lộ thông tin cá nhân của nền tảng này.
Không chỉ có Mỹ và Canada, nhiều nước trên thế giới cũng đang xem xét kỹ lưỡng các hoạt động của TikTok - thuộc sở hữu của công ty ByteDance Ltd. (Trung Quốc) - do lo ngại rằng ứng dụng này có thể đang thu thập dữ liệu người dùng và sử dụng chúng một cách trái phép.
Hiện hai cơ quan hoạch định chính sách lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) cũng đã cấm các nhân viên cài đặt TikTok trên các thiết bị mà họ sử dụng do lo ngại tính bảo mật.
Theo số liệu của cơ quan đánh giá thị trường We Are Social, với hơn 1 tỷ người truy cập mỗi ngày, TikTok hiện là nền tảng xã hội được sử dụng nhiều thứ 6 trên thế giới.
Mặc dù có phần tụt hậu so với bộ ba nền tảng trực tuyến thống trị lâu nay của công ty Meta gồm Facebook, WhatsApp và Instagram, nhưng tốc độ tăng trưởng về người dùng là giới trẻ của TikTok vượt xa các đối thủ cạnh tranh. Theo Wallaroo, gần 30% số người dùng TikTok trong độ tuổi từ 10 - 19. Sự gia tăng nhanh chóng về lượng người dùng đã giúp TikTok thu về hơn 11 tỷ USD doanh thu quảng cáo vào năm ngoái - tăng gấp 3 lần trong vòng một năm.
Tuy nhiên, TikTok cũng bị cáo buộc thường xuyên truyền bá thông tin xấu độc, như tin giả, các nội dung khiêu dâm hay những thử thách có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của người chơi.