Khi EU chuẩn bị đưa ra vòng trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga, các quốc gia Trung Á thận trọng chờ đợi thông tin chi tiết về loạt biện pháp tiếp theo này. Vào ngày 10/5, có thông tin cho rằng gói trừng phạt mới của EU sẽ nhắm vào các công ty từ các quốc gia thứ ba đang giúp Nga lách lệnh trừng phạt. Các quốc gia trong danh sách này bao gồm Iran, Trung Quốc và hai quốc gia Trung Á - Kazakhstan và Uzbekistan.
Hồi đầu tháng này, một số phương tiện truyền thông tiết lộ rằng các biện pháp mới sẽ nhằm “đóng các lỗ hổng” trong chế độ trừng phạt hiện tại và tăng cường khả năng của EU trong việc thực thi các biện pháp hiện có bằng cách nhắm mục tiêu vào các quốc gia Trung Á, trong số các quốc gia khác.
Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã xác nhận một phần những thông tin này khi tuyên bố: “Nếu chúng tôi thấy rằng hàng hóa đi từ EU đến các nước thứ ba, sau đó đến Nga, chúng tôi có thể đề xuất với các nước thành viên trừng phạt xuất khẩu những hàng hóa này”.
Trong vài tháng qua, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Uzbekistan từng trở thành điểm đến chính của các quan chức trừng phạt từ EU, Mỹ và Anh, những người đã đến các quốc gia này để cảnh báo họ không giúp Nga lách lệnh trừng phạt. Một số người coi những chuyến thăm này là biện pháp không cưỡng chế cuối cùng của EU trước khi áp dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp. Do đó, mối đe dọa rơi vào lệnh trừng phạt của phương Tây đã trở thành một trong những mối quan tâm chính sách đối ngoại lớn nhất đối với các quốc gia Trung Á trong năm nay.
Trên thực tế, cuộc xung đột ở Ukraine đã mở ra cơ hội mới trong thương mại giữa Trung Á và Nga. Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Nga với Kazakhstan, Kyrgyzstan và Uzbekistan tăng trưởng đáng kể. Xuất khẩu của Kazakhstan sang Nga tăng 25%. Xuất khẩu của Kyrgyzstan tăng 150%, đạt mức cao lịch sử. Và thương mại của Uzbekistan với Nga cũng bùng nổ.
Nhờ xuất khẩu tăng 47%, Nga đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Uzbekistan vào năm 2022. 3 quốc gia này cùng với những quốc gia khác, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia, rất quan trọng đối với Moskva nhằm duy trì mức xuất khẩu trong suốt năm ngoái.
Do đó, David O'Sullivan, đặc phái viên của EU về thực thi lệnh trừng phạt, đã nhắc lại trong chuyến thăm gần đây tới Kazakhstan, Kyrgyzstan và Uzbekistan rằng EU lo ngại về việc xuất khẩu các mặt hàng có chứa vi mạch được sử dụng trong sản xuất và sửa chữa thiết bị quân sự.
Vào ngày 27/4, trong chuyến thăm Uzbekistan, ông O'Sullivan tuyên bố: “Bất kỳ hoạt động xuất khẩu hợp pháp nào sang Nga đều là công việc nội bộ của các quốc gia [Trung Á] này; đó không phải là việc của chúng tôi [EU]”, nhưng Brussels chủ yếu quan tâm đến việc tái xuất khẩu máy giặt và ô tô từ Trung Á sang Nga, nơi những sản phẩm này có thể được tháo dỡ và các bộ phận của chúng được sử dụng để sửa chữa xe tăng và máy bay không người lái quân sự.
Tuy nhiên cho đến nay, Brussels chỉ giới hạn trong việc đưa ra tuyên bố cảnh báo đối với các nhà chức trách Trung Á về các biện pháp trừng phạt của phương Tây và việc áp dụng chúng. Và đây là một hành động cân bằng tế nhị, vì rõ ràng là các biện pháp trừng phạt có nguy cơ khiến Trung Á xa lánh phương Tây, đẩy khu vực này xích lại gần Nga và Trung Quốc hơn.