Theo đài Sputnik (Nga), Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID) cho biết Ban Giám sát An toàn Dữ liệu (DSMB) đã "bày tỏ lo ngại rằng AstraZeneca có thể chứa các dữ liệu đã lỗi thời". Đồng thời, các đợt thử nghiệm vaccine của hãng này “có thể đã cung cấp một cái nhìn chưa đầy đủ về dữ liệu hiệu quả”.
"Chúng tôi kêu gọi AstraZeneca làm việc với DSMB để xem xét dữ liệu hiệu quả và đảm bảo dữ liệu hiệu quả này chính xác cao, được cập nhật và được công bố nhanh nhất có thể", một thông cáo chính thức cho biết.
Hiện AstraZeneca hiện chưa đưa ra bình luận gì về thông tin này.
Tuyên bố cũng cho biết việc cấp phép và hướng dẫn sử dụng vaccine AstraZeneca ở Mỹ sẽ do Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) quyết định, sau khi các ủy ban tư vấn độc lập xem xét kỹ lưỡng dữ liệu.
Trước đó, việc sử dụng vaccine AstraZeneca do tập đoàn dược phẩm khổng lồ Anh/Thụy Điển sản xuất đã bị đình chỉ ở nhiều quốc gia trên thế giới, sau khi phát hiện một số ca tử vong vì tình trạng đông máu não sau khi tiêm loại vaccine này.
Bất chấp việc ghi nhận các trường hợp đông máu gây tử vong, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Dược phẩm Châu Âu cho biết họ vẫn khuyến nghị sử dụng loại vaccine này. Giới chức nhấn mạnh rằng “lợi ích khi tiêm vaccine lớn hơn nhiều nguy cơ xảy ra phản ứng phụ”.
Đồng thời, theo Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Sản phẩm Chăm sóc Sức khỏe Anh (MHRA), đã có nhiều bằng chứng cho thấy hiện tượng máu đông trong tĩnh mạch (huyết khối tĩnh mạch) không phải do vaccine này gây ra.
Ngày 22/3, AstraZeneca đã đưa ra thông báo rằng trong cuộc thử nghiệm trên diện rộng tại Mỹ, Chile và Peru, vaccine ngừa COVID-19 do hãng dược phẩm này bào chế đã đạt hiệu quả tới 79% trong ngăn ngừa triệu chứng bệnh. Thông báo này giúp mở đường để công ty này chính thức xin cấp phép lưu hành vaccine của hãng tại Mỹ.