Trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc Chang Won-sam (phải) và người đồng cấp Mỹ Timothy Betts tại vòng đàm phán về thỏa thuận chia sẻ chi phí quốc phòng Hàn Quốc - Mỹ ở Honolulu, Mỹ ngày 7/3. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Seoul đã bác bỏ yêu cầu này, cho rằng vấn đề trên không nên là một phần của cuộc đàm phán. Trả lời báo giới, một quan chức giấu tiên của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nêu rõ lập trường cơ bản của Seoul là thỏa thuận trên phải tập trung vào cách thức chia sẻ chi phí đồn trú binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc.
Theo quan chức này, có sự bất đồng trong số tiền được mỗi bên đề xuất và điều này đòi hỏi phải có thêm các cuộc đàm phán. Vấn đề chia sẻ chi phí vận hành Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đã không được đề cập trong cuộc họp này.
Hai bên đã tiến hành vòng đàm phán thứ hai tại đảo Jeju, miền Nam Hàn Quốc vào đầu tuần này. Dự kiến hai nước sẽ tổ chức vòng đàm phán tiếp theo vào tháng 5 tới ở thủ đô Washington của Mỹ.
Trước đó, phát biểu về vấn đề này, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha tuyên bố Chính phủ Hàn Quốc sẽ cố gắng đạt được một thỏa thuận hợp lý và minh bạch để người dân cũng như Quốc hội có thể chấp nhận.
Hàn Quốc đã chia sẻ với Mỹ chi phí duy trì Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) kể từ năm 1991 theo Thỏa thuận Các biện pháp đặc biệt (SMA). Thỏa thuận này, được hai bên ký kết vào năm 2014 và sẽ hết hạn vào năm 2018, quy định mức đóng góp của Hàn Quốc sẽ tăng lên mức 960 tỷ won (887,5 triệu USD) trong năm nay, tăng mạnh so với con số 150 tỷ won vào năm 1991. Mỹ đang tiếp tục đề nghị Seoul tăng phần đóng góp của mình. Hiện có khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc.