Myanmar kêu gọi người dân bang Rakhine trở về nhà

Ngày 21/9, Tư lệnh Lục quân Myanmar, Min Aung Hlaing đã kêu gọi những người dân của nước này rời bỏ quê hương vì tình trạng bạo lực tại bang Rakhine, miền Tây Myanmar, trở về nhà và tái thiết cộng đồng.

Tuy nhiên, ông không đề cập tới 422.000 người Hồi giáo Rohingya chạy trốn sang Bangladesh để thoát khỏi các chiến dịch quân sự của quân đội Myanmar.

Trong bài phát biểu quan trọng về các kế hoạch tại bang Rakhine trong khuôn khổ chuyến thăm đầu tiên của ông tới đây kể từ khi bùng phát xung đột mới nhất, ông Hlaing cho hay quân đội Myanmar đã xử lý tình hình theo cách tốt nhất có thể sau làn sóng các cuộc tấn công phối hợp của phiến quân Rohingya tiến hành vào ngày 25/8. Ông nói: "Về việc phục hồi các ngôi làng của các nhóm sắc tộc quốc gia, những nhóm sắc tộc phải chạy trốn khỏi quê hương, trước tiên, họ phải trở về nhà". Cụm từ "các nhóm sắc tộc quốc gia" được dùng để chỉ thành viên các nhóm sắc tộc bản địa được công nhận chính thức ở Myanmar. Người Rohingya không nằm trong số này và bị coi là dân nhập cư trái phép.

Người Hồi giáo Rohingya từ Myanmar nhận hàng cứu trợ tại thị trấn Ukhia, Bangladesh ngày 14/9. Ảnh; AFP/TTXVN

Trước đó cùng ngày, truyền thông nhà nước Myanmar đưa tin cảnh sát tại khu vực miền Tây đã giải tán đám đông người biểu tình theo đạo Phật tìm cách cản trở đoàn cứu trợ nhân đạo của Ủy ban Chữ Thập Đỏ Quốc tế (ICRC)  trên đường tới hỗ trợ cộng đồng người Hồi giáo Rohingya ở bang Rakhine.
 
Đại diện cảnh sát cho biết khoảng 300 người đã ném đá và bom xăng vào các sĩ quan cảnh sát bảo vệ các lô hàng cứu trợ của ICRC từ tối 20/9. Số hàng này dự kiến sẽ được vận chuyển bằng thuyền tới thị trấn Maungdaw - nơi tình trạng bạo lực đang diễn ra đặc biệt nghiêm trọng.
 
Trong khi đó, cũng trong ngày 21/9, một xe tải chở hàng cứu trợ nhân đạo cho người tị nạn Rohingya đang lánh nạn tại Bangladesh đã bị lật, khiến ít nhất 9 nhân viên cứu trợ thiệt mạng. Một quan chức của ICRC cho biết tất cả nạn nhân thiệt mạng là nhân viên người Bangladesh được thuê để phân phát lương thực cho 500 gia đình Rohingya đang sinh sống tại huyện Bandarban dọc biên giới giữa Bangladesh và Myanmar.
 
Chỉ chưa đầy một tháng, hơn 420.000 người Rohingya đã phải chạy nạn khỏi bang Rakhine của Myanmar, sau khi quân đội nước này phát động các chiến dịch truy quét các phần tử nổi dậy người Rohingya tấn công các trạm kiểm soát biên giới.

TTXVN/Báo Tin Tức
Bi kịch của người Rohingya - nhóm dân tộc bị chối bỏ tại Myanmar
Bi kịch của người Rohingya - nhóm dân tộc bị chối bỏ tại Myanmar

Người Rohingya và cuộc di tản quy mô lớn khỏi Myanmar đang trở thành tiêu điểm của cuộc tranh cãi liên quan đến nhân quyền. Vậy những người Rohingya là ai và căn nguyên nào khiến họ rơi vào tình thế nhiều bi kịch hiện nay?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN