Theo đó, năm tới được dự báo là năm thứ 10 liên tiếp chứng kiến nền nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ cao hơn 1,2 độ C và thậm chí có khả năng trở thành một trong những năm nóng nhất trong lịch sử Trái đất, song khó có thể vượt qua kỷ lục được thiết lập vào năm 2016 (1,28 độ C).
Các nhà nghiên cứu tại Met giải thích nguyên nhân khiến năm 2023 duy trì đà tăng nhiệt và trở nên nắng nóng cực đoan hơn là do không có hình thái thời tiết La Nina làm mát.
Hiện tượng này xảy ra khi gió xích đạo mạnh hơn, thổi từ Đông sang Tây, làm giảm nhiệt độ bề mặt nước biển trên phần xích đạo phía Đông của trung tâm Thái Bình Dương.
Tiến sĩ Nick Dunstone của Văn phòng Met cho biết nhiệt độ toàn cầu trong ba năm qua đã bị ảnh hưởng bởi tác động của La Nina. Nó có tác dụng hạ nhiệt tạm thời đối với nhiệt độ trung bình toàn cầu. Trong năm tới, mô hình khí hậu cho thấy hình thái La Nina sẽ kết thúc sau ba năm liên tiếp, khiến nhiệt độ trở nên ấm hơn tương đối ở các vùng của Thái Bình Dương. Theo ông, sự thay đổi này có khả năng làm cho nhiệt độ toàn cầu năm 2023 ấm hơn so với năm 2022.
Năm nóng nhất trong lịch sử ghi chép dữ liệu từ năm 1850 đến nay là năm 2016, khi chứng kiến mô hình khí hậu ngược lại với La Nina là El Nino. El Nino là sự nóng lên bất thường của nước biển bề mặt ở vùng nhiệt đới phía Đông Thái Bình Dương, và đẩy nhiệt độ toàn cầu lên cao hơn so với xu hướng nóng lên toàn cầu.
Theo Met, tình trạng nhiệt độ toàn cầu cao hơn mức trung bình của những năm 1850 - 1900 đã thực sự tăng lên trong thập kỷ qua. Chuỗi năm nóng lục bắt đầu vào năm 2014 và kể từ đó, nhiệt độ toàn cầu liên tục vượt quá mốc 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Trong năm tới, Met dự báo nhiệt độ trung bình toàn cầu là tăng từ 1,08 độ C - 1,32 độ C.