Theo Bộ trưởng Cele, trong số những người bị bắt ngoài các quan chức chính phủ, giới chức y tế, nhân viên trại giam còn có 89 cảnh sát là thành viên của Cơ quan Cảnh sát Nam Phi. Nhiều người trong số này phạm tội bán rượu bị tịch thu trước đó.
Cùng ngày, Bộ trưởng Truyền thông và Công nghệ Kỹ thuật số Nam Phi, Stella Ndabeni-Abrahams cũng đã bị xử phạt 1.000 rand (53 USD) do ăn trưa tại nhà một người bạn trong thời gian nước này đang áp đặt lệnh phong tỏa.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nosiviwe Mapisa-Nqakula đã xác nhận thông tin Tổng thống Cyril Ramaphosa có kế hoạch triển khai hơn 73.180 binh sĩ thuộc Lực lượng Quốc phòng Nam Phi (SANDF) hỗ trợ giám sát việc thực thi lệnh phong tỏa toàn quốc. Ước tính sẽ cần khoảng 4,5 tỷ rand (2,4 triệu USD) để triển khai kế hoạch này.
Nam Phi đang trong thời gian 4 tuần thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Các lực lượng an ninh đã nỗ lực để hạn chế tối đa người dân ra khỏi nhà, đặc biệt ở những khu vực ngoại ô đông người. Tháng 3 vừa qua, 2.820 binh lính đã được huy động khi Chính phủ Nam Phi ban bố lệnh phong tỏa.
Tính đến 20h30' tối 22/4 theo giờ Việt Nam, Nam Phi ghi nhận tổng cộng 3.465 ca mắc COVID-19 và là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm bệnh cao thứ hai tại châu Phi chỉ sau Ai Cập. Trong khi đó, tổng số ca tử vong của nước này hiện vẫn ở mức tương đối thấp với 58 ca.
* Cùng ngày, theo số liệu cập nhật của Bộ Y tế Iran, nước này ghi nhận 85.996 ca nhiễm, trong đó có 5.391 ca tử vong.
Người phát ngôn Bộ trên Kianoush Jahanpour (Ki-a-nốt Gia-han-pua) xác nhận đã có thêm 94 ca tử vong mới trong 24 giờ qua. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới đang theo chiều hướng giảm. Mặc dù vậy, Tổng thống Iran Hassan Rouhani (Hát-xan Ru-ha-ni) vẫn kêu gọi người dân tiếp tục thận trọng, tránh chủ quan.
Iran vẫn đang nỗ lực kiềm chế tốc độ lây lan của đại dịch COVID-19 kể từ khi ghi nhận những trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh ngày 19/2.