SAHPRA nêu rõ vẫn đang đợi thêm dữ liệu từ Johnson & Johnson, cũng như Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Mỹ.
Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi Bộ Y tế Nam Phi thông báo đã đình chỉ việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson trong chương trình tiêm chủng, sau khi các cơ quan y tế liên bang Mỹ khuyến nghị tạm ngừng sử dụng loại vaccine này.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize cho biết số tiền nước này đặt cọc để mua vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson và Pfizer/BioNTech sẽ không được hoàn lại trong mọi trường hợp.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với một ủy ban của Quốc hội, Bộ trưởng Mkhize nhấn mạnh trong quá trình đàm phán, Nam Phi đã phải đối mặt với những yêu cầu "khó khăn và đôi lúc bất hợp lý" từ các nhà sản xuất vaccine. Chính phủ luôn phải cân bằng giữa lựa chọn bảo vệ người dân và chấp nhận rủi ro về tài chính.
Nam Phi đã cấp phép sử dụng Johnson & Johnson tại nước này cách đây 2 tuần và đến nay mới chỉ tiêm loại vaccine này cho các nhân viên y tế trong khuôn khổ một nghiên cứu.
Theo kế hoạch, Nam Phi sẽ nhận được lô vaccine đầu tiên của hãng Johnson & Johnson vào cuối tháng 4 như một phần trong thỏa thuận mua 31 triệu liều vaccine của hãng dược phẩm Mỹ này. Với các thỏa thuận mua vaccine của hãng Johnson & Johnson và Pfizer, Nam Phi đảm bảo có đủ vaccine để tiêm chủng cho 40 triệu người trong tổng 60 triệu dân. Nam Phi đã trả 10 USD cho mỗi liều vaccine của Johnson & Johnson và Pfizer/BioNTech.
Tại Đan Mạch, báo Politiken đưa tin nước này sẽ tạm dừng sử dụng vaccine của Johnson & Johnson. Trong khi đó, kênh TV 2 dẫn các nguồn tin giấu tên khẳng định Đan Mạch sẽ ngừng hẳn việc tiêm chủng bằng vaccine của AstraZeneca. Theo nguồn tin, động thái này sẽ khiến chương trình tiêm phòng của nước này bị chậm lại vài tuần.