Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và hợp tác quốc tế Nam Phi (DIRCO) Lindiwe Sisulu khẳng định với việc phê chuẩn TPNW, Nam Phi đã phát đi tín hiệu tích cực về cam kết của quốc gia miền Nam châu Phi này hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân và đảm bảo rằng năng lượng hạt nhân chỉ được sử dụng cho các mục đích hòa bình. Bà cho rằng cùng với các quốc gia khác, Nam Phi đã đóng vai trò tiên phong trong quá trình phê chuẩn TPNW.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Sisulu cho rằng thế giới còn phải nỗ lực rất nhiều để đạt được mục tiêu một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Ngoài việc thúc đẩy sớm đưa TPNW có hiệu lực và phổ cập hóa hiệp ước này, Nam Phi sẽ không ngừng nỗ lực nhằm bảo đảm việc thực thi đầy đủ cam kết của các quốc gia thành viên Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), đặc biệt là nghĩa vụ giải trừ vũ khí hạt nhân vốn bị phớt lờ lâu nay.
Ngày 7/7/2017, 122 nước thành viên của LHQ đã bỏ phiếu thông qua TPNW. Tại buổi lễ được tổ chức bên lề Phiên họp thứ 72 của Đại Hội đồng (ĐHĐ) LHQ, Nam Phi đã ký TPNW. Theo quy định, TPNW sẽ có hiệu lực sau 90 ngày kể từ khi có 50 quốc gia phê chuẩn hoặc gia nhập.
TPNW hướng tới thiết lập chuẩn mực quốc tế nhằm không thừa nhận tính hợp lý và lên án việc sở hữu vũ khí hạt nhân. Hiệp ước này được kỳ vọng sẽ góp phần hiện thực hóa nghị quyết đầu tiên được ĐHĐ LHQ thông qua năm 1946 về việc loại bỏ tất cả vũ khí hủy diệt hàng loạt.
TPNW bổ sung cho các công cụ quốc tế khác bằng cách góp phần thực hiện nghĩa vụ giải trừ vũ khí hạt nhân theo NPT, các mục tiêu của Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) và các hiệp ước khác về khu vực không có vũ khí hạt nhân, chẳng hạn như Hiệp ước Pelindaba về việc cấm vũ khí hạt nhân ở châu Phi.
Với lịch sử riêng có liên quan đến vũ khí hạt nhân, Nam Phi là quốc gia đầu tiên trên thế giới tự nguyện từ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân. Từ năm 1948, quốc gia giàu tiềm năng uranium Nam Phi rất quan tâm đến năng lượng nguyên tử và lợi ích về ngành công nghiệp khai thác, thương mại và năng lượng kèm theo. Năm 1957, Chính phủ Nam Phi đã mua của Mỹ lò phản ứng hạt nhân đầu tiên.
Các báo cáo của Mỹ cho thấy Nam Phi chính thức bắt đầu chương trình vũ khí hạt nhân vào năm 1973. Tuy nhiên, trước áp lực quốc tế lớn, Nam Phi không thể thử nghiệm những vũ khí này. Năm 1982, Nam Phi đã phát triển và chế tạo thiết bị nổ hạt nhân đầu tiên. Đến năm 1989, Nam Phi đã sở hữu 6 quả bom hạt nhân, mỗi quả chứa 55 kg urani rất giàu (HEU), với sức công phá tương đương 19 kiloton TNT.
Năm 1989, Chính phủ Nam Phi chính thức chấm dứt chương trình hạt nhân. Năm 1991, với tư cách là quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân, Nam Phi đã tham gia NPT. Ba năm sau đó, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) xác nhận Nam Phi đã tự phá hủy tất cả vũ khí hạt nhân của nước này. Từ đó, Nam Phi luôn ủng hộ và không ngừng nỗ lực vì một châu Phi và thế giới không vũ khí hạt nhân.