Phóng viên TTXVN tại Pháp dẫn nghiên cứu của Đại học Durham ở bang North Carolina (Mỹ) công bố trên tạp chí "Environmental Research Letters" cho biết, trong giai đoạn 2001-2020, việc tránh nắng nóng đã khiến thế giới mất không dưới 677 tỷ giờ làm việc mỗi năm trên các lĩnh vực, đặc biệt ở môi trường lao động ngoài trời như đồng áng hay công trường xây dựng. Nếu cộng dồn thì con số trên tương đương 155 triệu việc làm toàn thời gian, và "có thể so sánh với thời gian tạm ngừng làm việc trong giai đoạn bị cách ly liên quan đến COVID-19". Công trình của nhóm nghiên cứu được thực hiện dựa trên ghi nhận hàng giờ về sự thay đổi nhiệt độ Trái đất trong 20 năm trên toàn cầu.
Thiệt hại về năng suất, vốn đã rất cao ở các nước đang phát triển, vẫn đang tăng và thay đổi rất lớn tùy thuộc vào các khu vực trên thế giới. Theo đó, Ấn Độ đã mất 259 tỷ giờ, tương đương với 62 triệu việc làm, gần một nửa tổng số trên toàn cầu. Tiếp đến là Trung Quốc (72 tỷ giờ), Indonesia (36 tỷ giờ) và Bangladesh (32 tỷ giờ).
Liên quan đến tỉ lệ nghỉ việc do nắng nóng trên dân số, ghi nhận của Đại học Durham có khác biệt về thứ tự. theo đó Sri Lanka đứng đầu với mỗi người mất hơn 604 giờ làm việc/năm, tiếp đến là Singapore và Thái Lan.
Trong khi đó, số liệu thu thập được các nước Bắc bán cầu lại thấp hơn nhiều. Ở các nước vùng Baltic và Scandinavia, số giờ bị mất của mỗi người dân chỉ ở mức 1 con số. Còn tại miền Nam châu Âu, con số này đã tăng lên, với 33 giờ/người/năm ở Pháp, 73,3 giờ/người/năm ở Italy.
Việc không thể lao động dưới trời nắng nóng ít nhiều đều có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của các nước. Theo ước tính của nhóm nghiên cứu, khoảng 2.100 tỉ USD "bốc hơi" mỗi năm do nắng nóng khiến lao động phải nghỉ việc. Ở một số quốc gia nằm trong vùng nhiệt đới châu Phi như Sudan và Sierra Leone, thiệt hại này chiếm đến hơn 10% GDP. Tổn thất ở các quốc gia khu vực Nam Á cũng rất đáng kể, với khoảng 5% GDP ở Việt Nam, Bangladesh hay Indonesia.
Trong khi đó, thời tiết nắng nóng không phải là thách thức lớn với Trung Quốc, chỉ ảnh hưởng 1,3 GDP nước này, thậm chí ít hoặc hầu như không ảnh hưởng tới Mỹ (0,5%) và Pháp (0,1%). Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cảnh báo đến năm 2100, những đợt nắng nóng và sốc nhiệt lặp đi lặp lại này sẽ khiến GDP toàn cầu "tan chảy" 4% mỗi năm.