Ngày 18/6, một cảnh báo nắng nóng cực độ được ban hành, ảnh hưởng đến hơn 70 triệu người ở Mỹ. Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWC) đã đưa ra cảnh báo nắng nóng cực độ kéo dài ở vùng Bờ Đông và Trung Tây nước này.
Hãng tin AP đưa tin, thời tiết nắng nóng đang phá kỷ lục ở nhiều thành phố. Năm ngoái, Mỹ hứng chịu số đợt nắng nóng cao nhất kể từ năm 1936, khi thời tiết nắng nóng bất thường kéo dài hơn 2 ngày.
Nhà chức trách một lần nữa kêu gọi người dân đề phòng khi chỉ riêng tại thành phố Phoenix của Mỹ đã có 645 người chết vì nắng nóng. Đây là một kỷ lục đáng buồn. Hôm 15/6, nhiệt độ trong thành phố này lên tới 44 độ C.
Sóng nhiệt cũng quét qua các khu vực phía Bắc Trung Quốc vào tháng 6, nơi nhiệt độ được ghi nhận là 40 độ C. Nhiệt độ không khí cũng tăng trên 40 độ C tại một số khu vực ở Bắc Kinh.
Theo các bác sĩ, trong một năm trên thế giới, nhiệt độ cao bất thường khiến sức khỏe của khoảng 220 triệu người từ 65 tuổi trở lên suy giảm. Và con số hàng năm này cao hơn nhiều so với những thập kỷ trước. Tại các nước EU vào năm 2022, tỷ lệ tử vong gia tăng do nắng nóng đã vượt 61.000 người.
Tại nhiều thành phố lớn của Liên bang Nga, nắng nóng gây nguy cơ kép đối với sức khỏe cộng đồng: nhiệt độ khắc nghiệt có thể gây ô nhiễm không khí. Nhìn chung, ở các thành phố của Nga, tỷ lệ tử vong lên tới 70 - 100.00 trường hợp mỗi năm. Ông Boris Revich thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết, ở những thành phố sử dụng than nhiều, tỷ lệ tử vong có thể cao hơn, điển hình ở các thành phố ở Siberia và Viễn Đông.
Theo một báo cáo mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), do biến đổi khí hậu, số người phải đối mặt với tình trạng nắng nóng cực độ đang gia tăng theo cấp số nhân ở tất cả các khu vực trên thế giới.
Để giảm thiệt hại do các đợt nắng nóng, chuyên gia Revich cho rằng việc phủ xanh các thành phố sẽ hạn chế mức tăng nhiệt. Do đó, cơ sở hạ tầng xanh đô thị phải trở thành một phần bắt buộc trong quy hoạch thành phố.