Tại Tokyo, Thủ tướng Đức đã được người đồng cấp nước chủ nhà tiếp đón rất trọng thị. Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc hội đàm cởi mở và hiệu quả về nhiều chủ đề hai bên cùng quan tâm. Hai thủ tướng đều nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Đức và Nhật Bản trong nhiều vấn đề.
Hai bên đã nhất trí tăng cường và nâng cấp quan hệ song phương thông qua các cuộc tham vấn chính phủ thường xuyên; nhất trí thành lập một hội đồng liên chính phủ có sự tham gia của cả hai nhà lãnh đạo cho mục đích này.
Ngoài ra, lãnh đạo hai nước cam kết phản đối mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục các cuộc họp cấp bộ trưởng 2 + 2 (Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng) và tiếp tục hợp tác chặt chẽ để hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Thủ tướng Olaf Scholz cho biết chuyến thăm tới Nhật Bản là một tín hiệu chính trị rõ ràng rằng Đức và Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp tục tăng cường can dự ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Đối với Đức, từ lâu Nhật Bản đã là một trong những đối tác hết sức quan trọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong chuyến thăm, Thủ tướng Olaf Scholz đã nhấn mạnh "tình hữu nghị sâu sắc" và "tầm quan trọng to lớn" của mối quan hệ Đức-Nhật. Phát biểu tại cuộc đối thoại kinh tế Đức-Nhật, Thủ tướng Đức khẳng định "không phải ngẫu nhiên" mà chuyến công du đầu tiên của ông đến châu Á trên cương vị người đứng đầu Chính phủ Đức là tới Nhật Bản, cũng như cuộc điện đàm đầu tiên của ông tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là điện đàm với Thủ tướng Fumio Kishida. Những điều này thể hiện sự coi trọng đặc biệt của Thủ tướng Đức Scholz trong quan hệ với Nhật Bản.
Nhiều nhà phân tích cho rằng cuộc tham vấn chính phủ thường xuyên giữa Đức và Nhật Bản là một nỗ lực của Berlin nhằm dành cho Nhật Bản vị thế ưu tiên cao hơn trong nền chính trị Đức. Trước đó, trong khu vực châu Á, Đức chỉ có các cuộc tham vấn chính phủ tương tự với Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo ông Marcus Schürmann- lãnh đạo Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Tokyo, Nhật Bản là đối tác trọng tâm ở châu Á và rất ổn định đối với Đức. Việc mở rộng quan hệ hợp tác là nhu cầu tự nhiên của hai đối tác thân thiết trong nhóm 7 cường quốc công nghiệp hàng đầu (G7). Do đó tháp tùng chuyến thăm của Thủ tướng Olaf Scholz là một đoàn doanh nghiệp Đức - những doanh nghiệp muốn mở rộng hợp tác kinh doanh với phía Nhật Bản.
Giáo sư Patrick Köllner, Giám đốc Viện nghiên cứu châu Á Giga Hamburg đánh giá tầm quan trọng của Nhật Bản đã trở nên rõ ràng hơn với Đức trong thời gian qua. Kể cả khi Đức và Nhật Bản không phải lúc nào cũng hành động theo cùng một hướng, chẳng hạn trong chủ đề bảo vệ khí hậu, thì giữa hai bên vẫn có các điểm chung rất lớn và là cơ sở tốt cho các sáng kiến hợp tác song phương.
Thủ tướng Scholz khẳng định cả Nhật Bản và Đức đều là những quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới. Hai nước muốn tiếp tục hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực kinh tế, công nghệ, đảm bảo chuỗi cung ứng, các tuyến đường thương mại tự do. Về khí hậu, Thủ tướng Scholz nhấn mạnh Đức và Nhật Bản đều có những mục tiêu rất tham vọng trong bảo vệ khí hậu; hai nước sẽ hợp tác chặt chẽ về mặt công nghệ, chẳng hạn như phát triển nền kinh tế hydro giúp hai nước sớm trở thành các quốc gia công nghiệp trung hòa với khí hậu.
Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản Kishida, người từng giữ chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản từ năm 2012 đến năm 2017, đánh giá Đức là đối tác chiến lược không thể thiếu của Nhật Bản. Ông cho biết Nhật Bản muốn hợp tác chặt chẽ với Đức để giải quyết các cuộc khủng hoảng hiện tại. Nhật Bản cũng hoan nghênh việc Chính phủ Đức mở rộng cam kết chính sách an ninh trong khu vực qua việc ban hành chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Về G7, Đức và Nhật Bản nối tiếp nhau giữ vị trí Chủ tịch G7 trong năm nay và năm tới; Thủ tướng Kishida bày tỏ tôn trọng sự lãnh đạo của Thủ tướng Scholz trong nhiệm kỳ Chủ tịch G7 năm nay và tái khẳng định quyết tâm hợp tác chặt chẽ với Đức để giữ vững vị trí của G7, giải quyết hiệu quả các cuộc khủng hoảng quốc tế hiện tại, đặc biệt là cuộc xung đột tại Ukraine.
Theo nhà báo Norihide Miyoshi, cựu phóng viên thường trú tại Đức của tờ "Yomiuri Shimbun" - nhật báo lớn nhất Nhật Bản, Đức là đối tác tin cậy, rất quan trọng của Nhật Bản trên thế giới. Đức cũng là đối tác thương mại và đối tác công nghệ hàng đầu của Nhật Bản. Trước tình hình thế giới căng thẳng hiện tại, nhà báo Miyoshi cho rằng để đối phó với các thách thức khu vực và quốc tế, việc phối hợp và hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Đức là rất quan trọng đối với Nhật Bản. Ngoài ra, chuyến thăm cũng là một cơ hội tốt để người Nhật hiểu hơn về Thủ tướng Olaf Scholz. Cho tới nay, cựu Thủ tướng Angela Merkel vẫn để lại ấn tượng mạnh mẽ đối với đa số người Nhật.
Đây là chuyến thăm thứ ba của ông Olaf Scholz tới Nhật Bản. Hai chuyến thăm trước của ông trên cương vị thị trưởng thành phố Hamburg và bộ trưởng Tài chính Đức. Chuyến thăm này có thể được hiểu là một biểu hiện của sự điều chỉnh đường lối chính sách của Đức về châu Á - Thái Bình Dương, khi Thủ tướng Scholz chọn Nhật Bản là điểm đến đầu tiên của ông tại châu Á, trên cương vị Thủ tướng Đức. Giới phân tích cho rằng, sự tiếp đón trọng thị của nước chủ nhà và thái độ hết sức cởi mở, thân thiết giữa hai bên cho thấy chuyến thăm sẽ giúp tăng cường hơn nữa quan hệ song phương Đức - Nhật, đặc biệt là mở rộng quan hệ trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ, số hóa giữa hai nước vốn còn dư địa rất lớn để phát triển hợp tác.