Công ty quản lý Nasdaq đã đưa ra quyết định trên trong bối cảnh giá cổ phiếu của các công ty, có số vốn huy động thông qua IPO chỉ vào khoảng 50 triệu USD hoặc ít hơn, thường tăng đột biến trong đợt IPO. Giá những cổ phiếu này tăng tới 2.000% trong ngày ra mắt nhưng giảm mạnh ngay sau đó, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nhà đầu tư liều mua các cổ phiếu penny - cổ phiếu có vốn hóa nhỏ này.
Luật sư chuyên về doanh nghiệp và chứng khoán, ông Douglas Ellenoff của hãng luật Ellenoff Grossman & Schole, cho biết ông đã được Nasdaq thông báo rằng tiến trình IPO của một số công ty Trung Quốc sẽ bị tạm dừng cho đến khi họ xác định được các hành vi giao dịch bất thường trong đầu năm nay.
Các công ty Trung Quốc này đã lọt vào tầm ngắm của Nasdaq từ giữa tháng 9. Theo ông Dan McClory, Giám đốc thị trường vốn của quỹ đầu tư Boustead (Mỹ), Nasdaq bắt đầu đặt câu hỏi về danh tính các cổ đông lớn của những công ty này, nơi họ sống, số tiền họ đang đầu tư và liệu họ có được cho vay không lãi suất để tham gia giao dịch cổ phiếu hay không. Đại diện Nasdaq từ chối bình luận về thông tin này.
Một số nguồn tin thân cận cho biết rằng các đợt tăng giá cổ phiếu bất thường này là do một số nhà đầu tư ẩn danh ở nước ngoài mua phần lớn cổ phiếu trong các đợt IPO, tạo ra nhận thức rằng các cổ phiếu này rất có tiềm năng và khiến giá tăng cao.
Theo dữ liệu từ công ty phân tích Dealogic, giá trị vốn huy động thông qua IPO của các công ty Trung Quốc tại Mỹ đã tăng trung bình 426% trong ngày giao dịch đầu tiên, so với % của tất cả các đợt IPO tại các thị trường khác.
Trong nhiều năm, các công ty Trung Quốc đã lợi dụng lỗ hổng trong những đợt IPO của các công ty nhỏ để chi phối thị trường. Sự can thiệp của Nasdaq lần này càng nhấn mạnh các tiêu chuẩn thanh khoản mà sàn này đã áp dụng trong 3 năm gần đây để ngăn chặn việc thao túng cổ phiếu.
Các quy tắc quy định rằng một công ty niêm yết cổ phiếu phải có ít nhất 300 nhà đầu tư mà mỗi người nắm giữ ít nhất 100 cổ phiếu, tổng giá trị tối thiểu là 2.500 USD. Tuy nhiên, những yêu cầu này vẫn chưa đủ để ngăn chặn tình trạng thao túng giao dịch ở một số cổ phiếu penny.
Các công ty nhỏ của Trung Quốc thường muốn niêm yết trên Nasdaq hơn là sàn NYSE (Sở giao dịch chứng khoán New York) vì Nasdaq nổi tiếng là sàn giao dịch dành cho các công ty khởi nghiệp, là hình ảnh mà các công ty Trung Quốc này hướng tới.
Jay Ritter, giáo sư chuyên nghiên cứu về các thương vụ IPO tại Đại học Florida cho rằng hầu hết tất cả các thương vụ IPO nhỏ đều là các loại cổ phiếu “tiềm năng” được quảng cáo là cổ phiếu này sẽ trở thành “Facebook thứ hai”...
Theo Dealogic, chỉ trong 5 năm gần đây đã có 57 các công ty nhỏ của Trung Quốc “chào sàn”, tăng từ 17 công ty trong 5 năm trước đó. Chỉ trong năm nay, đã có 9 công ty nhỏ của Trung Quốc IPO ở Mỹ mặc dù thị trường IPO của Mỹ đang đối mặt với tình trạng tệ nhất trong gần hai thập kỷ do sự biến động của thị trường chứng khoán khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất để chống lạm phát.
Ông McClory cho biết xu hướng này lại càng cho thấy các quy định lỏng lẻo trong việc niêm yết trên thị trường Mỹ so với thị trường Trung Quốc. Ông nói: “Các công ty trên không có khả năng được IPO trên thị trường Trung Quốc và cả trên thị trường Hong Kong (Trung Quốc)".