NATO đang sử dụng cuộc khủng hoảng Ukraine để kích động một cuộc chiến tranh với Nga trong bối cảnh Mỹ dự kiến đưa quân đến đồn trú lâu dài ở Đông Âu và các nhà lãnh đạo NATO đang sẵn sàng thảo luận trong tháng 9 tới nhằm triển khai thêm lực lượng đến khu vực này. Đây là bình luận của Giáo sư Francis Boyle Đại học Harvard (Mỹ) đồng thời là một chuyên gia về Nga."Đây chỉ là một sự thử nghiệm, nhưng trên thực tế, một kế hoạch chiến tranh đang được triển khai ở đây. Cuộc khủng hoảng Ukraine đã được lên kế hoạch từ trước. Có một phương án chiến tranh, một trò chơi chiến tranh. Sau đó, nó được sửa đổi và triển khai trên thực địa. Khủng hoảng Ukraine chỉ là cái cớ để liên minh này đưa quân tiến sát biên giới Nga", ông Boyle nói với hãng tin RIA Novosti của Nga ngày 8/5.
Tàu chiến USS Truxtun của Hải quân Mỹ tại Biển Đen. |
Trước đó, khi được hỏi liệu cuộc khủng hoảng Ukraine có thể dẫn đến việc đồn trú thường trực của quân đội NATO ở Đông Âu, Tướng Mỹ Philip Breedlove, một chỉ huy của NATO ở châu Âu, cho biết: "Đó là điều chúng tôi sẽ phải xem xét. Chúng tôi đang thực hiện các bước đã được lên kế hoạch từ trước".
Vị Giáo sư trên cũng nhấn mạnh rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang ở trong một tình huống khó khăn, nguy hiểm và cần phải rất cẩn thận. "Mỹ đã hồi sinh lại một cuộc Chiến tranh Lạnh thông qua vụ lật đổ ở Ukraine hồi tháng 2 vừa qua bằng lực lượng phát xít do Washington tài trợ, kiểm soát và đạo diễn. Có một chính sách nguy hiểm mà phương Tây đang theo đuổi ở đây. Họ đang tìm cách kích động để ông Putin can thiệp vào Ukraine", ông Boyle nhận định.
Theo Alexander Mercouris, chuyên gia phân tích về các vấn đề pháp lý, việc NATO đưa quân tới đồn trú lâu dài tại một số khu vực ở Đông Âu sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang trong bối cảnh căng thẳng quốc tế ngày càng leo thang và nguy hiểm hơn so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
"Việc kiểm soát vũ khí sẽ không được thực hiện trong hoàn cảnh như vậy. Sẽ có một cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực. NATO tăng cường triển khai quân tới một số đồng minh ở Đông Âu có thể sẽ khiến một số quốc gia như Romani, Ba Lan, Moldova và thậm chí là Ukraine tăng các hành vi khiêu khích. Kết quả là, Moskva sẽ không bỏ qua và có thể triển khai các loại vũ khí hạt nhân để đối phó", ông Mercouris chia sẻ.
NATO gần đây đã tăng cường sự hiện diện quân sự tại các nước vùng Baltic và Đông Âu. Lầu Năm Góc cũng đã điều thêm máy bay chiến đấu đến Litva, nâng tổng số máy bay được triển khai đến khu vực là 10 chiếc. NATO đã nhiều lần đổ lỗi cho Nga về sự leo thang căng thẳng ở Ukraine và tích cực triển khai lực lượng sát biên giới với Nga.
Ông Mercouris cho rằng, nếu NATO tiếp tục tăng cường sự hiện diện ở Đông Âu, Moskva sẽ phải phản ứng bằng cách "tìm kiếm các đồng minh, có thể là Trung Quốc hoặc thậm chí là các quốc gia Mỹ Latinh nhằm phân tán sự chú ý của Washington, đồng thời nâng cấp khả năng răn đe hạt nhân chiến lược của mình để đe dọa lục địa Mỹ".
CT (RIA Novosti)