Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến về tầm nhìn của NATO tới năm 2030, TTK Stoltenberg nhấn mạnh từ nay đến năm 2030, khối quân sự này cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các nước như Australia, Nhật Bản, New Zealand hay Hàn Quốc để đảm bảo các quy tắc và thể chế toàn cầu, giúp liên minh được an toàn trong nhiều thập kỷ. Ông đánh giá những thách thức mà NATO phải đối mặt trong thập kỷ tới là vô cùng lớn mà không một nước thành viên nào có thể tự mình giải quyết. Vì vậy, các nước cần tránh việc giải quyết các vấn đề chỉ ở tầm quốc gia.
TTK Stoltenberg bày tỏ mong muốn NATO cần mang tính chính trị cao hơn, đặc biệt là sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, sự kiện đã chỉ ra sự thiếu chuẩn bị ở nhiều quốc gia cùng những điểm yếu nghiêm trọng trong hệ thống y tế của họ.
Khi được hỏi về thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch giảm quân số Mỹ đồn trú tại Đức, TTK NATO bảo vệ cam kết quân sự của Mỹ đối với an ninh của châu Âu, đồng thời khẳng định luôn tham vấn với chính quyền Washington về sự hiện diện của binh sĩ Mỹ tại châu lục.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer bày tỏ thận trọng về thông tin Chính phủ Mỹ ra lệnh rút hàng nghìn binh sĩ khỏi Đức khi tuyên bố đến nay Berlin chưa có xác nhận chính thức từ Washington.
Phát biểu tại Berlin cùng ngày 8/6 sau cuộc họp trực tuyến của ban lãnh đạo Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU), Chủ tịch CDU và là Bộ trưởng Quốc phòng Kramp-Karrenbauer nhấn mạnh Chính phủ Đức mới chỉ biết thông tin qua báo chí, khẳng định lực lượng binh sĩ Mỹ đồn trú tại Đức cũng góp phần quan trọng bảo đảm an ninh cho Mỹ trong khuôn khổ hợp tác NATO. Bà cho rằng ở thời điểm hiện tại chưa có nhiều thông tin để bình luận về vấn đề trên.
Trước đó cùng ngày, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert và một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cũng cho biết chưa có thông tin chính thức từ phía Mỹ về vấn đề này. Một số nguồn thạo tin từ liên minh cầm quyền cho biết Chính phủ Đức đang thông qua các kênh ngoại giao khác nhau ở Washington để nắm thêm thông tin và hiện chưa có câu trả lời. Trong khi đó, nhiều quan chức hàng đầu trong liên minh cầm quyền lên tiếng chỉ trích chính sách thông tin của Washington.
Theo báo Tấm gương (Spiegel), Nhà Trắng thông báo cho các bộ phận của Quốc hội Mỹ về kế hoạch đến mùa Thu năm 2020 sẽ rút từ 5.000 đến 15.000 binh sĩ trong tổng số khoảng 35.000 lính Mỹ khỏi Đức. Trong khi đó, tờ Wall Street Journal cho biết Tổng thống Trump muốn rút 9.500 lính Mỹ khỏi Đức trong tháng 9 tới và sẽ giới hạn lâu dài ở con số khoảng 25.000 binh sĩ.