NATO hoan nghênh mọi đề xuất hướng tới hòa bình tại Đông Bắc Syria

Ngày 23/10, Tổng Thư ký tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer về ý tưởng thành lập "một vùng an ninh" do quốc tế kiểm soát tại Bắc Syria.

Chú thích ảnh
Xe quân sự quân đội Syria tại thành phố Manbij thuộc tỉnh miền Bắc Aleppo ngày 18/10/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Trong một tuyên bố, ông Stoltenberg nhấn mạnh ông hoan nghênh mọi đề xuất hướng tới thiết lập hòa bình tại khu vực Đông Bắc Syria. Khi được hỏi về việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ trích phản ứng của NATO liên quan đến chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria, người đứng đầu khối liên minh quân sự này cho rằng bất đồng giữa các nước thành viên NATO trong việc này là điều tất yếu. Theo ông, việc tái cân nhắc triển khai hệ thống tên lửa Patriot tại Thổ Nhĩ Kỳ là tùy thuộc vào quyết định của các đồng minh NATO. Dự kiến, ngày 24/10, các bộ trưởng quốc phòng NATO sẽ họp ở trụ sở tổ chức này tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về tình hình Syria.

Cùng ngày, Bộ trưởng Kramp-Karrenbauer bày tỏ mong muốn Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) thông qua đề xuất về "một vùng an ninh" do quốc tế kiểm soát tại miền Bắc Syria. Quan chức này cho biết thêm các đối tác NATO đã phát đi tín hiệu sẵn sàng thảo luận đề xuất này của bà, vốn sẽ được công khai vào ngày 28/10 tới. 

Đề cập đến lệnh ngừng bắn ở Đông Bắc Syria cho Mỹ làm trung gian, Tổng Thư ký Stoltenberg cho rằng  đây là cơ sở cho một giải pháp chính trị đối với cuộc xung đột tại khu vực này. Ông nêu rõ thỏa thuận này là khả năng hướng tới một giải pháp chính trị, và dĩ nhiên yêu cầu đầu tiên là các bên ngừng giao tranh. Do đó, quan chức NATO cho rằng các bên cần tiếp tục hướng về phía trước, cùng xây dựng để đạt được một giải pháp chính trị thực sự và có sự đồng thuận Syria. Ông nói thêm rằng còn quá sớm để đánh giá hiệu quả thỏa thuận mà các nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vừa đạt được tại Sochi.

Cùng ngày, Đại sứ Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchison đã hoan nghênh đề xuất của Bộ trường Quốc phòng Đức. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế tiến hành một cuộc điều tra về khả năng xảy ra các hành vi tội ác chiến tranh trong chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại miền Bắc Syria. Ông nhấn mạnh quan trọng là mỗi nước phải chịu trách nhiệm về các công dân của mình tham chiến tại Syria và những nước này nên hồi hương các tay súng nước ngoài từng tham gia tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại Syria. 

Theo nội dung thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, được Điện Kremlin công bố trên trang mạng chính thức của mình, bắt đầu từ 16h00 ngày 23/10,  lực lượng quân cảnh Nga và lực lượng biên phòng Syria sẽ triển khai tại khu vực biên giới bên phía Syria, ngoài khu vực diễn ra chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ, và tạo điều kiện cho các tay súng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) rút khỏi bán kính 30km từ biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 150 giờ đồng hồ. Sau đó, các lực lượng tuần tra chung Nga - Thổ sẽ bắt đầu ở phía Tây và Đông của khu vực xảy ra chiến dịch trên, trong bán kính 10 km. Hai bên sẽ áp dụng các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn sự thâm nhập của các tay súng khủng bố. Ngoài ra, một cơ chế giám sát và xác minh chung sẽ được thiết lập để đánh giá và phối hợp thực hiện thỏa thuận.

Thanh Hương     (TTXVN)
Thỏa thuận 'giải vây' cho vấn đề Syria
Thỏa thuận 'giải vây' cho vấn đề Syria

Sau hơn 6 giờ hội đàm tại thành phố Sochi, miền Nam nước Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, quốc gia đang tiến hành chiến dịch quân sự trên lãnh thổ Syria, đã ký vào bản Tuyên bố chung mà lãnh đạo Nga gọi là có tính “quyết định số phận” đối với đất nước Trung Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN