Trong cuộc trao đổi qua điện thoại, ông Putin đã thông báo với ông al-Assad các điều khoản trong MOU trên, khẳng định nhiệm vụ chính là khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ Syria và tiếp tục các nỗ lực chung để tìm ra giải pháp chính trị cho tình hình hiện nay, bao gồm cả các công việc trong khuôn khổ Ủy ban hiến pháp.
Tổng thống Syria đã cảm ơn ông Putin và bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn về kết quả trên. Ông al-Assad cho biết lực lượng bảo vệ biên giới của Syria đã sẵn sàng triển khai ở biên giới để phối hợp với lực lượng quân cảnh của Nga.
Trước đó, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua biên bản ghi nhớ chung và nhất trí triển khai các lực lượng hỗn hợp tới khu vực diễn ra chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Theo nội dung thỏa thuận, được Điện Kremlin công bố trên trang mạng chính thức của mình, bắt đầu từ 16h00 ngày 23/10, lực lượng quân cảnh Nga và lực lượng biên phòng Syria sẽ triển khai tại khu vực biên giới bên phía Syria, ngoài khu vực diễn ra chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ, và tạo điều kiện cho các tay súng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd YPG rút đi khỏi bán kính 30km từ biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 150 giờ.
Sau đó, các lực lượng tuần tra chung Nga - Thổ sẽ bắt đầu ở phía Tây và Đông của khu vực xảy ra chiến dịch trên, trong bán kính 10km. Hai bên sẽ áp dụng các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn sự thâm nhập của các tay súng khủng bố. Ngoài ra, một cơ chế giám sát và xác minh chung sẽ được thiết lập để đánh giá và phối hợp thực hiện MOU.
Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp với ông Erdogan, Tổng thống Putin khẳng định đạt "sự ổn định lâu dài tại Syria và toàn khu vực" có thể là điều kiện duy nhất để đảm bảo chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria.
Ông cũng cho biết Nga hiểu những lo lắng của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến mối đe dọa khủng bố ngày càng tăng trong khu vực. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng Syria cần phải không có sự hiện diện trái phép của quân đội nước ngoài.
Về phần mình, Tổng thống Erdogan hoan nghênh "thỏa thuận lịch sử" với Nga và thông báo chiến dịch quân sự tại miền Bắc Syria đã kết thúc.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhận định hiện mọi chuyện tùy thuộc vào việc các thỏa thuận được thực thi như thế nào, bao gồm thỏa thuận rút vũ khí và lực lượng cùng các phương tiện của các đơn vị YPG.
Thỏa thuận Nga - Thổ đạt được đúng thời điểm thỏa thuận ngừng bắn giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ 5 ngày hết hiệu lực. Phía Mỹ xác nhận các tay súng người Kurd đã hoàn tất việc rút khỏi "vùng an toàn" gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ theo yêu cầu của chính quyền Ankara. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence bày tỏ hy vọng một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng người Kurd ở Syria có thể sớm đạt được.
Cùng ngày, một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ cho biết Washington sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mới được áp đặt chống Thổ Nhĩ Kỳ sau thời hạn chót vào ngày 22/10 nếu Ankara tôn trọng lệnh ngừng bắn. Quan chức trên không nêu cụ thể thời điểm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, song cảnh báo Ankara cần tuân thủ lời hứa, chấm dứt chiến dịch quân sự.
Theo quan chức này, bất kỳ chiến dịch quân sự nào của Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục diễn ra sau thời hạn trên sẽ khiến Washington kết luận rằng Ankara vi phạm thỏa thuận, và không tránh khỏi các lệnh trừng phạt.
Trước đó, hôm 14/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 3 bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời tăng thuế mặt hàng thép nhằm phản đối chiến dịch quân sự tại Syria. Sau đó, ông đã cử Phó Tổng thống Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo tới Ankara để đàm phán thỏa thuận ngừng bắn trên.
Trong một diễn biến liên quan, đặc phái viên Mỹ về Syria và liên minh chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng James Jeffrey cho biết Mỹ dựa vào Thổ Nhĩ Kỳ và cả các tay súng người Kurd ở Syria để ngăn chặn sự nổi dậy của IS ở khu vực Tây Bắc Syria.
Phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, ông Jerrey cho biết cả Thổ Nhĩ Kỳ và SDF đều đã chiến đấu chống IS, nếu họ không buộc phải đối đầu nhau, "chúng ta có thể dựa vào cả hai để chống IS".